Bình Định: Triển khai các giải pháp bình ổn thị trường sau ảnh hưởng của dịch Covid-19
Theo đại diện Sở Công Thương Bình Định, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã tác động trực tiếp đến mọi mặt về sản xuất và đời sống, tuy nhiên, hàng hóa trên thị trường trong tỉnh vẫn thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là hàng hóa thiết yếu, nhất là các dịp lễ, Tết, thời điểm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội...
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở bán lẻ vẫn tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chuẩn bị tốt nguồn hàng, tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn, kích cầu tiêu dùng làm tăng nhu cầu mua sắm của người dân không để xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn hàng, tăng giá đột biến.
Theo số liệu của Sở Công Thương Bình Định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2020 ước đạt 76.212,6 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2019 (74.674 tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước thực hiện 1.058,8 triệu USD, tăng 14,8% so với năm 2019 (922,4 triệu USD). Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 ước đạt 364,3 triệu USD, giảm 9,6% so với năm 2019 (402,9 triệu USD).
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm 2019 như: hạt điều ước đạt 4,1 triệu USD, tăng 34,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 33,7 triệu USD, tăng 12,6%; gạo ước đạt 42,7 triệu USD, tăng 51,5%; quặng và các khoáng sản khác ước đạt 56,3 triệu USD, tăng 30,4%... Trong khi đó, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với năm 2019 như: thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 70,3 triệu USD, tăng 36,6%; hàng thủy sản ước đạt 37,8 triệu USD, tăng 0,3%.
Trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan trên phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều nền kinh tế lớn bị thiệt hại nặng làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa trên toàn thế giới, đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do thiếu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu. Các mặt hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn do không có thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn do bị sụt giảm, hoãn, hủy đơn hàng. Bên cạnh đó, cũng có một số ngành hàng xuất khẩu thuận lợi trong năm 2020.
Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định - cho hay, Sở Công Thương đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ lụt bão và thời gian dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Định. Đồng thời, cũng đã tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tổ chức có hiệu quả các hội chợ, phiên chợ hàng Việt.
Được biết, Sở Công Thương đã tổ chức 3 kỳ hội chợ triển lãm thương mại và 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại thị xã Hoài Nhơn, Phù Cát và An Lão; đã hỗ trợ xây dựng 4 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh; xác nhận khoảng 30 đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại với tổng giá trị giải thưởng ước khoảng trên 1,8 tỷ đồng; Tiếp nhận khoảng 12.700 hồ sơ thông báo tổ chức khuyến mại của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại triển khai thực hiện treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền “Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia 2020 - VietNam Grand Sale 2020” tại các trục đường chính và các huyện, thị xã.
“Ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, Sở Công Thương đã chủ động đẩy mạnh triển khai các công tác, việc tham gia các hội chợ - triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu; hỗ trợ kết nối tiêu thụ tại các kênh phân phối và tìm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng dưa hấu của tỉnh trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường, giải phóng hàng tồn kho...” - ông Tổng cho biết.
Hoạt động xuất nhập khẩu chịu ảnh hươnrng khá lớn do Covid-19 |
Trong năm 2020, tỉnh Bình Định đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh năm 2020 tại TP. Quy Nhơn. Qua đó, đã có 26 lượt doanh nghiệp, cơ sở ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; tổ chức 8 đoàn với 66 lượt doanh nghiệp tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu ngoài tỉnh. Đại diện Sở Công Thương Bình Định cho hay, đơn vị đã đẩy mạnh công tác kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, tỉnh đã chủ động tổ chức các đoàn tham gia hội nghị kết nối cung cầu, tổ chức các buổi giao thương, gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp.
Hoạt động kinh doanh thương mại, lưu thông hàng hóa được tổ chức thông suốt; nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được đảm bảo. Hệ thống phân phối thương mại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa ngày càng được quan tâm. Công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, vệc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu ngoài tỉnh; hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh,… được các doanh nghiệp trong và tỉnh đánh giá cao, có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo đại diện Sở Công Thương Bình Định, trong thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh về phát triển và quản lý chợ, kinh doanh xăng dầu và an toàn thực phẩm; đồng thời cũng đã chủ động xây dựng các phương án phối hợp triển khai tốt tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế. Đồng thời, chủ động theo dõi diễn biến tình hình xuất khẩu thông qua các kênh thông tin của Bộ Công Thương, định hướng các thị trường thay thế và có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, nhằm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo cho hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa, tạo điều kiện cho các DN có cơ hội giao thương với các thị trường tiềm năng để phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi bị ảnh hưởng do dịch bệnh và tăng cường khả năng xuất khẩu.