Bí đỏ bội thu nhờ sử dụng phân bón Lâm Thao
Nhằm góp phần tạo nên những vụ bí bội thu và đạt chất lượng cao, nhiều năm qua, Công ty CP Supe phốt phát & Hóa chất Lâm Thao đã tích cực đồng hành cùng bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp nói chung và đối với phát triển cây bí đỏ nói riêng.
Những ngày này, không khí trên cánh đồng xã Phùng Nguyên (Lâm Thao, Phú Thọ) trở nên tấp nập, đông vui khi người dân bước vào vụ thu hoạch bí đỏ. Niềm vui như được nhân lên khi năm nay bí đỏ tiếp tục được mùa, được giá và dễ bán.
Vừa thu hoạch bí, vừa tiếp chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải, xã Phùng Nguyên cho biết: Chỉ sau hơn 3 tháng kể từ khi gieo trồng cho đến khi thu hoạch, gia đình sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín, vườn bí đỏ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng truyền thống trên đồng đất nơi đây.
Vụ đông này, gia đình bà trồng 3 sào bí đỏ với giống bí hồ lô. Là loại cây có đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, không tốn nhiều công lao động, nên năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa xong, gia đình bà tiếp tục trồng bí đỏ luôn cho kịp thời vụ. Vườn bí được bón phân NPK-S Lâm Thao phát triển xanh tốt, sai trĩu quả, quả nào quả đấy ruột đặc, có màu vàng, dẻo, thơm, rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên bán rất nhanh.
Hiện nay, bí đỏ mới cho thu hái lứa quả đầu tiên, gia đình đã bán được 4 tạ quả. Dự kiến từ nay đến hết vụ sẽ thu hoạch được khoảng 3 tấn quả nữa, với giá bán ngoài thị trường là 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ước tính lợi nhuận đạt khoảng 20 triệu đồng/vụ. Trồng bí đỏ không những nhàn hơn nhiều loại cây khác như ngô, cà chua, dưa chuột… mà còn có hiệu quả kinh tế cao khi vừa cho quả lại cộng thêm thu hoạch ngọn và hoa bí.
Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, bón phân để bí đỏ sai trĩu quả, bà Hải cho biết:
Ở giai đoạn cây con cần tưới nước giữ ẩm đất 50 - 60% độ ẩm đồng ruộng, sau khi cây phát triển thì theo dõi để tiến hành bấm ngọn, tỉa hoa đực và lá vàng nhằm giúp cây nuôi quả.
Khi bí đỏ bò dài trên dưới 1m thì lấy đất chặn lên các đốt dây để tăng thêm rễ phụ làm tăng khả năng hút dinh dưỡng và giữ cho cây khỏi bị gió lay làm dập thân cây, hại hoa quả. Cần bấm ngọn làm rau ăn chỉ để lại mỗi cây 2 - 4 nhánh. Hoa đực thường ra trước hoa cái. Số hoa đực rất nhiều so với hoa cái nên khi hoa cái đã thụ phấn xong cần cắt bỏ bớt hoa đực, tỉa bỏ bớt nhánh con kém phát triển, vặt bỏ các lá già mọc chen chúc để thông thoáng cho cây, ong bướm dễ tìm hoa, tăng thêm khả năng thụ phấn, đậu quả.
Cũng theo bà, không chỉ chăm sóc đúng cách mà bón phân cũng phải hợp lý, cân đối để bí đậu quả nhiều và đạt chất lượng. Với những kinh nghiệm tích lũy và kiến thức được tập huấn, bà thường bón phân NPK-S Lâm Thao cho cây bí đỏ như sau: Thời kỳ bón lót: Sử dụng 700kg phân chuồng kết hợp với phân NPK-S*M1 5.10.3-8, liều lượng 12-15kg/sào. Bón thúc lần 1 khi cây cao độ 40 - 50 cm sử dụng phân NPK-S*M1 12.5.10-14 với liều lượng 10-12kg/sào và lần 2 ở thời kỳ ra nụ hoa tập trung để cây có thể đậu quả nhiều, quả to và chắc hơn sử dụng phân NPK-S*M1 12.5.10-14 với liều lượng 10-12kg/sào.
Không riêng gia đình bà Hải mà nhiều hộ gia đình ở Phùng Nguyên đã mạnh dạn đầu tư trồng bí đỏ và sử dụng thành thạo phân bón Lâm Thao trong suốt quá trình gieo trồng, do đó đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu trên chính thửa ruộng của mình.
Bí đỏ không chỉ là cây rau màu chủ lực của xã Phùng Nguyên mà còn là cây trồng phổ biến tại các xã trên địa bàn huyện Lâm Thao cũng như nhiều địa phương trên cả nước, cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Hiệu quả từ mô hình trồng bí đỏ là một hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đặc biệt với sự tiếp sức của phân bón Lâm Thao mang lại hiệu quả cao đã trở thành động lực giúp nông dân đẩy mạnh thâm canh cây trồng, phát triển kinh tế gia đình.