BHXH Việt Nam: Chủ động ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin
Hiện nay, toàn ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đang có 26 hệ thống ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu của gần 98 triệu dân tương ứng với gần 27 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. Hệ thống có 20.000 tài khoản của cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành; kết nối liên thông đến trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh và khoảng 500.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành.
Ngoài ra, mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử nhận và xử lý hàng triệu lượt hồ sơ dịch vụ công. Từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến gần 67 triệu hồ sơ.
BHXH Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin |
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn - cho biết, để bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống này, ngành BHXH đã được đầu tư và trang bị rất nhiều các giải pháp, thiết bị an toàn giúp ngăn chặn các tấn công, bảo vệ hệ thống chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. “Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn là một thách thức lớn; đôi khi những rủi ro, mất an toàn có thể xuất phát từ chính nhận thức, thiếu kỹ năng về an toàn thông tin của đội ngũ kỹ thuật và người sử dụng hệ thống trong đơn vị”- ông Sơn nói.
Trước thực trạng đó, BHXH Việt Nam đã lên kế hoạch tổ chức các đợt diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin trong ngành BHXH để thực hiện một bước đổi mới, đột phá trong công tác bảo đảm an toàn thông tin, đưa BHXH Việt Nam trở thành một trong các ngành tiên phong trong công tác bảo đảm an toàn thông tin, sẵn sàng trong phòng ngừa, ứng cứu và khắc phục sự cố.
Theo đó, mới đây tại Quảng Ninh, BHXH Việt Nam đã tổ chức diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin đợt 2 khu vực miền Bắc với chủ đề: “Phòng chống mã độc gián điệp tấn công vào hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam”. Trong đợt diễn tập lần 2 này, các đại biểu được cập nhật tình hình, phương thức phòng chống tấn công mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng; cập nhật các kỹ năng, kiến thức của mình vào giải quyết những tình huống, để sẵn sàng ứng cứu các sự cố do tấn công mạng gây ra đối với hạ tầng thông tin do đơn vị quản lý.
Thông qua cuộc diễn tập, các đại biểu cũng tăng cường trao đổi về cách thức phối hợp giữa đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin tại BHXH tỉnh, thành phố với Trung tâm Công nghệ thông tin và giữa các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam với nhau để nâng cao khả năng sẵn sàng trước các tấn công mạng, bảo vệ hệ thống mạng, hạ tầng thông tin. Đặc biệt, tại cuộc diễn tập, các đại biểu sẽ cùng tham gia diễn tập nhận diện những loại mã độc gián điệp tấn công vào hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam qua email điện tử. Từ đó, phân tích các cách phòng tránh, xử lý không để lây lan ra các máy tính trong cơ quan hoặc toàn hệ thống.
Theo Kế hoạch của BHXH Việt Nam, việc triển khai diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH sẽ được tổ chức triển khai trong 2 năm 2020 và 2021, mỗi năm 3 đợt diễn tập tại 3 miền: Bắc, Trung - Tây Nguyên và miền Nam, với các chủ đề diễn tập phù hợp.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thông qua việc xây dựng các phần mềm nghiệp vụ bao phủ hầu hết các hoạt động của ngành. Theo đó, từ năm 2017, ngành BHXH bắt đầu triển khai hình thức kê khai nộp BHXH qua giao dịch điện tử. Riêng trong năm 2019, ngành BHXH đã tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH nên đã rút ngắn được thời hạn giải quyết chế độ BHXH cho người lao động.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp chính thức khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trên nền tảng ứng dụng CNTT, ngành BHXH đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ. Mặt khác, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, BHXH Việt Nam đã tích hợp để thực hiện dịch vụ công cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh từng nhấn mạnh, ngành BHXH xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới.