Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tối 9/7 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định cam kết sẽ bảo vệ Ukraine, đồng thời nỗ lực thuyết phục các đồng minh trong và ngoài nước về khả năng lãnh đạo của mình sau những cáo buộc về sức khỏe trong những ngày gần đây.
Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu vào ngày 9/7. (Nguồn ảnh: Reuters) |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Biden nói: “Vladimir Putin muốn Ukraine phải khuất phục và xóa sổ Ukraine khỏi bản đồ, không hơn không kém. Ukraine sẽ ngăn chặn Putin”.
Với kịch bản soạn sẵn, ông Biden đã phát biểu với giọng nói được đánh giá là mạnh mẽ và tự tin, đồng thời phần lớn tránh được những sai sót và nhầm lẫn, không như các bài phát biểu trước đó. Kết thúc bài phát biểu, vị Tổng thống khẳng định: “Ngày nay, NATO đang mạnh hơn bao giờ hết”.
Bài phát biểu trên diễn ra trong bối cảnh ông Biden đang phải đối mặt với những hoài nghi từ các đồng minh về khả năng tranh cử của mình, sau khi có màn tranh luận đáng thất vọng vào ngày 27/6. Vì vậy, Nhà Trắng đang hy vọng ông Biden có thể lật ngược tình thế bằng bài phát biểu trên, nhưng một số nhà ngoại giao tại hội nghị thượng đỉnh lại đang cảm thấy “bán tin bán nghi”.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, một nhà ngoại giao châu Âu cho biết: “Chúng tôi không biết làm cách nào mà ông Biden có thể vực dậy sau cuộc tranh luận vừa qua. Tôi không thể tưởng tượng viễn cảnh ông ấy sẽ nắm quyền lãnh đạo Mỹ và NATO thêm 4 năm nữa”.
Được biết, Tổng thống Biden đã coi việc khôi phục các liên minh truyền thống của Mỹ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình, sau khi cựu Tổng thống Trump trước đó đã thách thức các đồng minh của nước này bằng chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Vì vậy, người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới có thể có tác động đáng kể đến tương lai của NATO, châu Âu và cả thế giới.
Chia sẻ về tầm nhìn trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã tuyên bố sẽ không bảo vệ các thành viên NATO nếu họ bị tấn công quân sự, cũng như sẽ từ bỏ mục tiêu chi tiêu quốc phòng cho NATO là 2% GDP. Cựu Tổng thống cũng đã đặt ra nhiều nghi vấn về số lượng viện trợ khổng lồ của NATO dành cho Ukraine.
Tương lai bất định của NATO
Theo Reuters, trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh NATO lần này bao quanh các cam kết mới về viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ củng cố mạnh mẽ con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine.
Cũng trong hội nghị, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Đức, Ý, Hà Lan và Romania đã đưa ra tuyên bố chung về việc sẽ cung cấp thêm 5 tổ hợp Patriot và nhiều hệ thống phòng không chiến lược khác để bảo vệ các thành phố, dân thường và binh lính Ukraine.
Ngược lại, một số thành viên trong NATO vẫn đang tỏ thái độ “dè chừng” trước viễn cảnh Ukraine có thể gia nhập NATO, do lo ngại điều đó sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga. Điều này đang là cản trở lớn trong quá trình gia nhập NATO của Ukraine, do nước này cần phải nhận được sự chấp nhuận của toàn bộ các thành viên trong liên minh.
Hội nghị thượng đỉnh vừa qua diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo NATO đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị ở châu Âu. Trong khi Pháp đang đứng trước viễn cảnh “quốc hội treo” sau khi các đảng cánh tả và cực hữu giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua, thì tại Đức, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz cũng đang ngày suy yếu sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng trước.
Còn tại Anh, Tân Thủ tướng Keir Starmer phát biểu, ông sẽ thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử là tăng chi tiêu quốc phòng của Anh lên 2,5% GDP. Tuy vậy, Thủ tướng Starmer cũng nhấn mạnh rằng điều này chỉ xảy ra sau khi ông xác định về khả năng tài chính và chiến lược quốc phòng của Anh.