Bất chấp dịch bệnh, cả nước duy trì xuất siêu
Xuất khẩu giảm nhẹ
Trong những tháng đầu năm, khi dịch COVID-19 khởi phát tại Trung Quốc đã làm gián đoạn một số hoạt động thương mại giữa Việt Nam với thị trường này, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông, thủy sản và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ thực sự bị tác động mạnh trong quý II/2020, sau khi dịch COVID-19 lây lan mạnh trên phạm vi toàn cầu, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN…
Xuất siêu 4,03 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020 |
Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến nhập khẩu hàng tiêu dùng, các mặt hàng công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày, túi xách, vali, mũ ô dù... giảm mạnh khi mà hàng hóa còn tồn kho, chưa bán được. Hoạt động du lịch, lễ hội, giải trí dừng cũng kéo tiêu dùng giảm khiến xuất khẩu nông, thủy sản gặp khó khăn. Giao thương, vận tải, thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là qua các cửa khẩu biên giới đất liền cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 ước tính giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 238,39 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,21 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 117,17 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Công Thương, không chỉ Việt Nam mà kết quả xuất khẩu của các quốc gia khác cũng đều sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7,7%; kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan giảm 6,4%; kim ngạch xuất khẩu của Indonesia giảm 7,24%; Singapore giảm 8,5%;
Trong bối cảnh giảm chung của xuất khẩu, khối doanh nghiệp trong nước là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 41,38 tỷ USD, đến tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Có đến 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, bao gồm 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại của Việt Nam với nhiều đối tác. Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam vẫn được một số thị trường trọng điểm ưa chuộng. Đơn cử, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang các thị trường các nước thành viên CPTPP cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, như Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6% và Mexico tăng 2,6%.
Điểm sáng xuất siêu
Cùng chung xu thế khó khăn như xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã chi khoảng 117,17 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng (giảm 3% so với cùng kỳ năm trước).
Tháng 6, Việt Nam ước tính xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 6 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 4,03 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,72 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2019.
Nếu như Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa bền vững thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đề ra mục tiêu đến năm 2020 giải quyết cơ bản nhập siêu thì thực tế, cán cân thương mại đã thặng dư từ năm 2017 và kéo dài liên tục đến nay. Đáng chú ý, những năm trước, hoạt động xuất khẩu phần nào được hỗ trợ bởi ít nhiều các yếu tố thuận lợi như giá hàng hóa hay nhu cầu hàng hóa tăng thì từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, thành tích xuất siêu là một điểm cộng.
Xuất siêu cũng mang lại những tác động tích cực nhiều mặt về kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối ổn định đã góp phần ổn định tỷ giá, tạo niềm tin thị trường cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn yếu so với sản xuất như hiện nay thì việc tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sẽ có tác động kích cung, tức kích thích sản xuất trong nước.
Tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước về hoạt động xuất khẩu cũng đang rốt ráo triển khai hàng loạt giải pháp như đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử; tích cực tuyên truyền về các FTA sắp có hiệu lực; yêu cầu các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện tối đa trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp tục cắt giảm các thủ tục xuất nhập khẩu không cần thiết; yêu cầu các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa Việt… Từ đó, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD cho cả năm nay.