"Bảo tàng kỷ vật" là cách nói vui nhưng đúng của các đồng đội dành cho ngôi nhà của cựu binh Trà Văn Châu. Nằm trên đường Tô Hiệu (Hòa Minh, Đà Nẵng) như bao căn nhà khác trên con đường phố mới này cũng có cánh cổng, một khoảng sân và ngôi nhà nhỏ, nhưng chủ nhân ngôi nhà đã biến nó trở nên đặc biệt. Bởi đã 20 năm, dù được sơn đi sơn lại nhiều lần để chống chọi với “hoen rỉ” của thời gian, cánh cổng vẫn một màu xanh như thế; dù trời mưa hay trời nắng, đều đặn mỗi sáng khoảng hiên trước nhà luôn thơm mùi hương trầm và ngôi nhà nhỏ luôn có những vị khách đặc biệt thường xuyên ghé đến - những cựu binh Trung đoàn Ba Gia anh hùng. Chủ nhân ngôi nhà - chú Trà Văn Châu, cũng là một cựu binh Trung đoàn Ba Gia.
Cựu binh Trà Văn Châu tự hào giới thiệu những kỷ vật mình đã sưu tầm được |
Năm 1983, 19 tuổi, chàng thanh niên Trà Văn Châu với nhiệt huyết tuổi trẻ, đã vác balo cùng bạn bè trang lứa lên đường nhập ngũ mang theo bao hoài bão và khát khao cống hiến khi được đứng vào đơn vị đã trở thành “nỗi khiếp đảm của lĩnh Mỹ - Ngụy” với những chiến công lẫy lừng.
Chiến dịch mùa khô năm 1983-1984 và 1984-1985 khốc liệt tại chiến trường Campuchia níu giữ rất nhiều quân tình nguyện Việt Nam nằm lại, trong đó có những người đồng đội của chú Châu. 4 năm tham gia chiến đấu với biết bao buồn, vui, tình quân dân với nước bạn cũng thành một phần ký ức theo chàng thanh niên về quê nhà Đà Nẵng.
Trở về thời bình, tiếp tục cuộc sống mưu sinh, lập gia đình như bao người lính khác, nhưng chú Châu không thể gạt ra khỏi tâm trí mình hình ảnh đạn bom nổ, hình ảnh đồng đội nằm xuống nhưng vẫn lấy hết sức động viên đồng đội mình chiến đấu. Chú Châu quyết định lưu lại hình ảnh đồng đội mình qua việc tìm lại các kỷ vật của đồng đội cùng chiến đấu còn sống và đã hi sinh.
Nghĩ là làm, bắt đầu từ những cuộc gặp kỷ niệm ngày thành lập Trung đoàn Ba Ga, cho đến ngày Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), chú Châu gặp đồng đội nói ý định của mình và xin lại họ những kỷ vật họ còn giữ được. “Chính các đồng đội của chú cũng mong muốn có một nơi để họ tìm về, để đàm đạo về cuộc sống hiện tại và được sống lại tuổi trẻ, nên họ rất ủng hộ, có kỷ vật gì là họ đưa đến hoặc nói với mình để mình đến lấy”, chú Châu nói và tiếp dòng cảm xúc “Nhiều người hỏi sao chú có thể bền bỉ sưu tập những đồ vật như vậy và để làm gì. Có lẽ, chú là người sống hoài niệm, muốn giữ lại cái cũ”.
Nhưng chính những “cái cũ” đó là “gạch nối” vượt thời gian giữa quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa tình đoàn kết gắn bó của 2 nước Việt Nam - Campuchia.
Chú Châu không nhớ mình đã sưu tầm được bao nhiêu kỷ vật. Hơn 20 năm nay, cứ nghe đồng đội nói ở đâu có là chú lại cất công tìm đến.
Chú Châu chia sẻ thêm: “Có nhiều kỷ vật chú phải đi 5 lần 7 lượt. Với mình là kỷ vật, thì với người thân những đồng đội đã mất cũng là những kỷ vật vô giá. Như cái túi phát cơm này, ra chợ thì mua đâu cũng được, lại mới đẹp, nhưng nó rỗng rếch, nó không có giá trị, còn khi nó là kỷ vật của đồng đội nó có giá trị thời gian, nó không thể định giá. Nhìn thấy nó chú như đứng trước cánh cổng thời gian nhìn lại những tháng năm chiến đấu chia nhau từng nắm cơm, những lúc anh em ngồi nghêu ngao, nói về những dự định ấp ủ khi trở về, động viên nhau, kìm nén nước mắt khi đồng đội hi sinh. Tất cả như mới ngày hôm qua.”
Một trong 2 tráp mây cựu binh Trà Văn Châu trân trọng và "gian nan" mới thuyết phục được người dân liệt sĩ tặng lại |
Khoảng hơn 300 kỷ vật đã được chú Châu sưu tầm và trân trọng. Ngôi nhà cấp bốn được chú biến thành một bảo tàng kỷ vật sống động từ phòng khách kéo đến xuống đến bếp nấu. Không gian riêng tư của vợ chồng chú Châu và cô con gái chỉ là 2 phòng nhỏ nằm ở vị trí “tận dụng”. Nói là riêng tư, nhưng đến phòng ngủ của mình, chú Châu cũng biến thành tủ sách bày biện và lưu trữ không thiếu tư liệu gì về giai đoạn hào hùng đã qua như các bài báo về sự khốc liệt của cuộc chiến, lịch sử của Trung đoàn Ba Gia, sổ liên lạc của các cựu binh, đến những lá thư tay, bài thơ, bài văn đồng đội chú sáng tác trong chiến tranh và trong thời bình khi nghĩ về chiến tranh.
Hơn 300 kỷ vật, mỗi kỉ vật mang tên bạn bè, kỉ niệm, câu chuyện “vào sinh, ra tử” với nhau. Chỉ vỏn vẹn diện tích khoảng 30m2, nhưng “bảo tàng kỷ vật” đặc biệt này không thiếu bất kỳ quân trang, vật dụng nào của người lính từ bát ăn cơm quân dụng, mảnh bom, balô, loa phường, băng gạc y tế, máy đánh chữ đến cả hình ảnh chụp lúc chiến đấu của Trung đoàn, chân dung Bác được họa sĩ của Trung đoàn vẽ, thơ, nhạc về những chặng đường hành quân…
Mỗi một kỉ vật sau khi nhận về, chú Châu bày biện trang trọng trên tường nhà. Trên đó ghi rõ tên người tặng, câu chuyện gắn liền.
Lấy trong tủ ra hai tráp mây, chú Châu cho hay, đây là hai kỷ vật chú trân quý nhất và vất vả nhất mới thuyết phục được gia đình đồng đội đồng ý cho đem về bổ sung vào bộ sưu tập. Một là của liệt sĩ Huỳnh Quy, chiến sĩ cách mạng người làng Hòa Phú (Hòa Minh, Liên Chiểu). Tráp được làm trong lúc ông bị thực dân Pháp lưu đày tại ngục Kon Tum. Một tráp còn lại của liệt sĩ Hồ Trân, cũng người làng Hòa Phú, được ông làm lúc bị lưu đày khổ sai, khai khẩn tuyến đường Khâm Đức- Kon Tum. Cả hai tráp mây đều được gia đình hai liệt sĩ thờ cúng.
Trao tặng lại cho đồng đội chiếc dao ăn đã theo mình ngót 40 năm, cựu binh Nguyễn Văn Tịnh chia sẻ: "Con dao này là của một lính Pốt già bỏ trong ba lô sau một trận đánh. Nó có lẽ đã qua nhiều người lính mới đến tay mình, chú giữ nó như một kỷ niệm đời lính, nhưng chú Châu tâm huyết quá nên chú tặng lại. Đây sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của kỉ vật mang màu nghiệt ngã của chiến tranh”.
Cựu chiến binh Trà Văn Châu cho biết, từ lâu, bản thân chú ấp ủ dự định sẽ xây lại ngôi nhà khang trang, rộng rãi hơn trưng bày các hiện vật và chú sẽ thực hiện điều đó trong năm nay - 2019 để nơi đây sẽ là nơi để các bạn của chú đến thăm, để tất cả mọi người nếu muốn ghé đến vẫn sẵn sàng đón tiếp. Và để có không gian rộng rãi hơn cho hành trình tìm kiếm kỷ vật vẫn đang tiếp tục.
Giữa vòng xoay của cuộc sống tấp nập, bộn bề hiện tại, ngôi nhà như một nốt trầm, là điểm lắng để mỗi người khi tìm đến đây trở lại với tuổi trẻ của mình, trở lại với những tháng năm khốc liệt mà hào hùng, nụ cười đan xen nước mắt. Bởi ở đây, họ tìm lại được nhau, tìm lại những đồng đội mà thể xác đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Campuchia nhưng hình bóng của họ vẫn còn in đậm trên những kỷ vật cũ từ cái chén ăn cơm đến đôi dép cũ….
Một số hình ảnh tại "Bảo tàng kỷ vật":
Nơi tưởng nhớ các đồng đội đã hi sinh trong sân nhà cựu binh Trà Văn Châu. Các cựu binh trung đoàn Ba Gia mỗi khi có dịp đều ghé đến và thắp cho đồng đội mình một nén hương |
Căn phòng chừng 30m2 nhưng không thiếu quân trang, vật dụng nào của người lính thời chiến |
Những thiết bị phục vụ chiến đấu như máy thông tin vô tuyến |
Những bức thư đầy niềm tin, hi vọng được viết trong chiến tranh khốc liệt |
Những hình ảnh đượm tình quân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia |
Đến những bài thơ nhớ về đồng đội đã hi sinh |
Tất cả mọi kỷ vật đều được cựu binh Châu nhớ rõ và nói đến như một niềm tự hào |