Báo chí đồng hành cùng ngành Công Thương trong chặng đường đổi mới, vươn tới đỉnh cao
Cầu nối ngày càng vững chắc giữa ngành Công Thương và người dân, doanh nghiệp
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền tới nhân dân các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959, Người thêm một lần chỉ rõ: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội... Chính vì thế những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí ta không phải để phục vụ cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra vai trò quan trọng của công tác truyền thông chính sách. Những nội hàm của công tác truyền thông chính sách đã được Người khắc họa ngắn gọn, dễ hiểu nhưng rất đầy đủ với hai đặc trưng nổi bật là tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.
Là bộ kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực và bao quát đến 70% GDP của đất nước, trong hành trình đổi mới đất nước, đặc biệt là đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới động lực tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập, việc phổ biến, giới thiệu các chính sách phát triển các ngành công nghiệp, phát triển lĩnh vực thương mại, thị trường trong nước và quốc tế và các hướng phát triển năng lượng phù hợp với đổi mới cơ cấu kinh tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam đặt ra những yêu cầu rất cao.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, các cơ quan báo chí đã thực sự trở thành cầu nối ngày càng vững chắc giữa ngành Công Thươngvà người dân, doanh nghiệp trong tiến trình đổi mới đất nước, thực sự trở thành yếu tố không thể thiếu trong quá trình đổi mới và phát triển của ngành Công Thương.
Trong suốt chặng đường “tiếp tục đổi mới, hướng tới đỉnh cao” của ngành Công Thương, báo chí đã thực sự có những nỗ lực đáng ghi nhận trong phản ánh kịp thời và giới thiệu các chính sách, hoạt động của ngành tới đông đảo nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Việc tuyên truyền đó mang ý nghĩa rất quan trọng, tạo sự thấu hiểu, đồng thuận trong nhận thức và tuân thủ của người dân và doanh nghiệp với các quan điểm đường lối chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Từ đó, nối dài hiệu lực của chính sách, tạo cơ sở mạnh mẽ cho chính sách đi vào cuộc sống cũng như tăng cường tính hoàn thiện, tính phù hợp thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đường dây 500KV mạch 3. Ảnh: Cấn Dũng |
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, báo chí đã kịp thời nắm bắt, phản ánh các xu hướng phát triển toàn cầu, giúp ngành Công Thương nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức và không ngừng vươn xa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, dễ chịu ảnh hưởng tác động, nhất là các tác động mang tính tâm lý do các biến cố từ môi trường địa kinh tế, địa chính trị của thế giới.
Đặc biệt, báo chí còn là công cụ hữu hiệu trong việc xây dựng cũng như khẳng định hình ảnh và uy tín của ngành Công Thương trên thị trường quốc tế, góp phần khẳng định Việt Nam là đối tác chân thành, tin cậy, có trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần xây dựng và đem lại tính lành mạnh, công bằng cho các “luật chơi” của kinh tế quốc tế phù hợp với các quy tắc của WTO và các định chế thương mại khu vực và toàn cầu khác để các bên cùng thắng, cùng nhau chia sẻ lợi ích.
Chính từ các hoạt động kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu, bảo đảm cung cầu thị trường thời gian qua không chỉ là thông tin khô khan đơn thuần mà còn thực sự là “đầu vào”, là “chất liệu” cho các tác phẩm báo chí, tạo điều kiện cho báo chí có điều kiện thâm nhập vào đời sống, thâm nhập vào thực tế của ngành Công Thương để tạo ra các tác phẩm có sức sống cao, sức thuyết phục và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Ngược lại, các tác phẩm báo chí cũng đặt ra những vấn đề và từ đó đưa ra nhiều kiến nghị về khâu hoạch định, điều hành chính sách và thực hiện trên thực tế. Chính vai trò phản biện của báo chí, bám sát thực tế đầy trách nhiệm của nhà báo đã được lãnh đạo ngành Công Thương và các cấp hoạch định chính sách tiếp thu để có giải pháp phù hợp.
Bộ Công Thương luôn coi trọng công tác truyền thông chính sách
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, công tác thông tin, truyền thông đã đóng góp rất tích cực trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện tinh thần này và chấp hành các chỉ đạo nêu trong Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, Bộ Công Thươngđã ban hành Kế hoạch 3163/KH-BCT ngày 13/5/2024 triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg.
Theo kế hoạch này, Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ của bộ, của ngành Công Thương triển khai các nhiệm vụ được nêu tại Chỉ thị số 07/CT-TTg, đảm bảo công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động truyền thông chính sách từ cấp ủy, người đứng đầu đến cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ; tạo được sự đồng thuận của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với các chính sách đã ban hành; đồng thời, tiếp thu ý kiến của nhân dân để hoàn thiện chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công việc thực thi chính sách.
Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn quan tâm, chỉ đạo để công tác truyền thông thực sự là cầu nối quan trọng, hỗ trợ hiệu quả việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của bộ, ngành. Công tác truyền thông báo chí của Bộ Công Thương ngày càng đi vào nề nếp, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện; cơ sở pháp lý về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được hoàn thiện; việc thực hiện chế độ phát ngôn, cung cấp, xử lý thông tin báo chí, thông cáo báo chí ngày càng bài bản.
Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền của Bộ ngày càng phát triển về quy mô số lượng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả vai trò là những kênh thông tin đóng vai trò trụ cột, quan trọng trong thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Công Thương. Các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động trong việc truyền thông đối với các hoạt động của đơn vị; các kênh phối hợp thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành cũng ngày càng được mở rộng; cách thức truyền thông ngày càng đa dạng, phong phú.
Đặc biệt là những lĩnh vực quan trọng, những lĩnh vực mang tính nhạy cảm cao của thị trường, của nền kinh tế liên quan đến cuộc sống của người dân, thu hút sự quan tâm của dư luận như điện, xăng dầu, năng lượng, hàng hoá tiêu dùng luôn nằm trong các mũi nhọn được chủ động, tăng cường tần suất, mức độ cung cấp chia sẻ thông tin giữa các quan chức năng của Bộ Công Thương với các cơ quan báo chí truyền thông.
Ngoài các kênh truyền thông chính thống như Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, để chuyển tải thông tin đến người dân cả nước, Bộ Công Thương chú trọng tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn và các ứng dụng mạng xã hội để tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin, tăng cường mối quan hệ, tương tác với các nhà báo của các cơ quan báo chí truyền thông cả nước, đặc biệt là các phóng viên chuyên trách theo dõi Bộ Công Thương.