Bản tin tiết kiệm điện ngày 30/7/2023: Tiết kiệm điện nhìn từ đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm Đà Nẵng
Tiết kiệm điện – Giải pháp thiết thực nhất để xanh hóa sản xuất công nghiệp
Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ hiện có 12.000 lao động làm việc ở 4 tỉnh thành miền Trung. Các sản phẩm của đơn vị này là sợi và hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản.
Bà Trần Tường Anh – Phó Tổng Giám đốc Hòa Thọ cho biết một trong những giải pháp đơn vị triển khai để đưa đơn vị trở thành đơn vị dệt may lớn hàng đầu Việt Nam đó là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và xanh hóa. Đó là yêu cầu bắt buộc và là xu hướng của doanh nghiệp nói chung. Công tác này đã góp phần giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, xây dựng hình ảnh đơn vị tốt hơn và nâng cao ý thức của người lao động.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng trọng điểm tại TP. Đà Nẵng coi tiết kiệm điện là giải pháp thiết thực nhất để xanh hóa sản xuất (Ảnh: Sản xuất tại TCT Dệt may Hòa Thọ) |
“Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp thay đổi công nghệ, chuyển đổi xanh để tiết kiệm năng lượng, đáp ứng xu hướng của thế giới, của sự lựa chọn của khách hàng trong chuỗi cung ứng cũng như của người tiêu dùng”, bà Tường Anh thông tin và nói thêm “Là đơn vị tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các địa phương có chi nhánh đang hoạt động, Hòa Thọ luôn nhận thức tiết kiệm năng lượng tối đa là một trong những giải pháp cụ thể, thiết thực nhất trong quá trình thực hiện xanh hóa sản xuất”.
Năm 2020 sản lượng điện năng tiêu thụ của Tổng Công ty là khoảng 33,3 triệu kWh, giảm còn 32,8 triệu kWh trong năm 2022. Sản lượng điện từ hệ thống điện năng lượng mặt trời của đơn vị tăng lên đáng kể từ 208.000 kWh năm 2020 tăng lên gần 1,3 triệu kWh trong năm 2022. Bên cạnh đó, sản lượng nguyên liệu trong các hoạt động lò hơi giảm rõ rệt nhờ sự đầu tư công nghệ vào công nghệ xử lý nhằm tiết kiệm nguồn nguyên liệu đốt, giảm khói bụi nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Cụ thể như đối với than đá đã giảm từ 21,5 tấn năm 2020 xuống còn 15 tấn trong năm 2022.
Đơn vị này đặt mục tiêu phấn đấu tiết kiệm 5 – 7% sản lượng điện năng tiêu thụ năm 2023 so với năm 2022 thông qua việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, có hiệu suất tiêu hao năng lượng thấp, có nhãn năng lượng xanh; cải tiến máy móc thiết bi hiện có để giảm tiêu hao năng lượng; đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà để bổ sung nguồn điện cho sản xuất; đầu tư tổng hệ thống để giảm tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng nguồn điện; thường xuyên bảo trì máy móc sử dụng điện.
Tiếp tục phấn đấu giảm 3 – 5% lượng nguyên liệu trong vận hành lò hơi trong năm 2023.
Giải pháp quan trọng nhất theo đơn vị này là nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động về tiết kiệm điện, kịp thời biểu dương những cá nhân tập thể có sáng kiến trong cải tiến sản xuất, tiết kiệm điện.
Tương tự, tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng – đơn vị có mức tiêu thụ lên tới hơn 10.700 TOE/năm (1.000 kWh = 0,1543 TOE), đơn vị đã chuyển đổi nhiều máy móc thiết bị tiêu hao năng lượng, công suất lớn sang động cơ hiệu suất cao, có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, nhờ vậy, trung bình hàng năm công ty liên tục tiết giảm được 5 – 7% chi phí về điện. Ngoài ra, hiện công ty đang đẩy mạnh, tăng tỷ lệ sử dụng điện mặt trời. Hiện 35% công suất điện mà công ty đang sử dụng là từ nguồn năng lượng điện mặt trời.
Ngành Công Thương Đà Nẵng đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cao năng lực sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và tuân thủ mức tiêu hao năng lượng |
Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp tuân thủ định mức tiêu hao năng lượng
Trong thời gian qua, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng liên tục có các hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, hỗ trợ nhiều lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực trong quản lý năng lượng, tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất. “Công ty Á Châu đã được hỗ trợ quản lý năng lượng hiệu quả theo tiêu chuẩn ISO 50001 về quản lý năng lượng”, ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc, thương mại Á Châu cho hay.
Mới đây nhất, trong 2 ngày 27 và 28/7, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp với Dự án Hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo tập huấn tuân thủ mức tiêu hao năng lượng và công cụ báo cáo định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng gồm sản xuất gang, thép và sản xuất giấy; sản xuất nhựa, sản xuất bia và nước giải khát.
Đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết hoạt động nhằm giúp cơ sở sản xuất tuân thủ quy định của Thông tư trong việc xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, báo cáo tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng hàng năm, góp phần triển khai thành công Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2030.