Thứ năm 21/11/2024 21:07

Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, xã hội số

Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia đầu ngành chia sẻ, thảo luận những giải pháp đột pháp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, xã hội số.

Ngày 14/11, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và Xã hội số lần thứ II với chủ đề: "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động" tại Bình Dương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Lãnh đạo tỉnh Bình Dương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đại diện một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế… tham dự diễn đàn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - nhấn mạnh: Năm nay là năm thứ 3, Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia về Phát triển kinh tế số và Xã hội số. Theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6%. Và chúng ta sẽ đạt 25% vào năm 2025, đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội 13.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tư tưởng chính của Diễn đàn năm nay tập trung vào 2 định hướng, là phát triển kinh tế số bằng thúc đẩy cả cung và cầu về kinh tế số, và chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông với các bộ ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành, các lĩnh vực.

Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, các lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động là chủ đề chính của Diễn đàn. "Chúng ta sẽ bàn các nội dung về kích cung cho kinh tế số thông qua chuyển đổi số các doanh nghiệp; kích cầu cho kinh tế số thông qua kích cầu tiêu dùng số; đo lường kinh tế số các ngành, các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế số; mở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số; thúc đẩy sản xuất thông minh; phát huy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp công nghệ số lớn trong chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số; phát triển kinh tế số xanh và bền vững" Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Hiện nay, kinh tế số các ngành mới chiếm 40% kinh tế số, 60% thuộc về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, nhưng về lâu dài, kinh tế số các ngành phải chiếm tỷ trọng 70-80% trong kinh tế số.

Lời giải cho tăng năng suất lao động Việt Nam là ứng dụng công nghệ số, là chuyển đội số toàn diện và toàn dân, là phát triển kinh tế số. Nếu như 55 triệu người lao động Việt Nam, mỗi người có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc, thì năng suất lao động Việt Nam chắc chắn sẽ tăng.

Khi ứng dụng công nghệ số thì thay vì đặt trọng tâm vào công nghệ, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số hãy đặt trọng tâm vào việc muốn thay đổi gì cho doanh nghiệp mình để tạo ra giá trị mới. Chuyển đổi số là 2 câu chuyện tách bạch rõ ràng. Câu chuyện công nghệ và câu chuyện chuyển đổi. Trong đó, câu chuyện chuyển đổi là chính, là 70%. Người lãnh đạo không nên bị cuốn vào câu chuyện công nghệ, vì đây không phải nghề của người lãnh đạo.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý.

Chia sẻ tại sự kiện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cũng nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với chuyến đối số đã tạo ra biến đổi sâu sắc của lực lượng sản xuất, đòi hỏi phải có những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất trong bối cảnh mới.

Những thay đổi mang tính đột phá này khởi động lộ trình thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức tổ chức sản xuất, quản lý nhà nước và quản trị xã hội. Đặc biệt, chuyển đổi số cũng xác lập những tư liệu sản xuất mới, đóng vai trò là động lực thúc đẩy các cải tiền liên tục trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn quốc và đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Theo các số liệu báo cáo, năm 2023, ước tính tỷ trọng kinh tế số của nước ta đạt 16,5% GDP, tốc độ phát triển trung bình khoảng 20%/năm. Đền hết năm 2023, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đạt 78,08%, xếp thứ 12 toàn cầu về quy mô dân số sử dụng Internet, xếp hạng thứ 31 toàn cầu về quy mô giá trị thanh toán qua ứng dụng di động.

Trong giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam đạt bình quân 9%/năm, đạt mức cao so với khu vực và trên thế giới. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tăng trường năng suất lao động cao như: Nông nghiệp (16%); cung cấp nước, quản lý và xứ lý nước, rác thải (14%); y tế và trợ giúp xã hội (11%); tài chính (10%)...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham quan gian hàng triển lãm trong khuôn khổ Diễn đàn.

“Có thể nói, những kết quả đạt được là rất tích cực nhưng so với yêu cầu phát triển chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thể chế cho phát triển dữ liệu chưa hoàn thiện; nền tảng cơ sở dữ liệu chưa thông suốt; kinh tế dữ liệu chưa hình thành và kỹ năng số trong dân cư còn hạn chế...”, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Thực tiễn phát triển đã cho thấy, để thúc đầy tăng trưởng bên vững, nền kinh tế số phải là động lực trọng tâm, giúp kích cầu, thúc đẩy đầu tư và nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông Thái Thanh Quý cho rằng, đây không chỉ là một xu thế, mà còn là một cơ hội lịch sử đề Việt Nam chúng ta vươn lên, phát triển lực lượng sản xuất mới và xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững.

Diễn đàn được tổ chức hôm nay, kỳ vọng sẽ thúc đấy mạnh mẽ những thay đổi về nhận thức và hành động từ các cơ quan nhà nước, các tố chức chính trị - xã hội, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp và người dân để chuyển đổi số trở thành hiện thực.

“Thông qua Diễn đàn, chúng ta có cơ hội lắng nghe, trao đổi và rút ra những bài học kinh nghiệm, cũng như những giải pháp thực tiễn, giúp cho việc xây dựng chính sách kinh tế số, xã hội số của Việt Nam thêm phần hoàn thiện. Đây cũng là những gợi mở quan trọng để tiếp tục tham mưu xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia”, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương bày tỏ.

Cần giải pháp đột pháp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, xã hội số

Ở góc độ địa phương phối hợp tổ chức, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ: Thời gian qua, Bình Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số với sự quyết tâm mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền và sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Dương cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề bất cập cần sớm khắc phục liên quan đến việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, các vấn đề về bình đẳng xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa; tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình chuyển đổi số…

“Một trong những chiến lược Bình Dương hướng đến để tăng năng suất lao động là phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế số và xã hội số”, Chủ tịch tỉnh Bình Dương khẳng định.

Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành tập trung thảo luận những giải pháp đột pháp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số xã hội số tại Việt Nam. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến hiệu quả trong việc đẩy mạnh sáng tạo các ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số để giải quyết bài toán về nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế số và xã hội số cho tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

Tham gia đóng góp ý kiến tại Diễn đàn về chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh, bà Trần Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố tập trung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số; đồng thời mở rộng các khu công nghệ thông tin tập trung nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước; triển khai các chính sách cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tư vấn, truyền thông, kết nối cung cầu cho doanh nghiệp công nghệ số.

“Mục tiêu TP. Hồ Chí Minh là xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới liên kết mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ số đủ năng lực để cung cấp các sản phẩm công nghệ, nền tảng số có uy tín thúc đẩy chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía nam nói riêng cũng như cả nước nói chung”, bà Trần Diệu Thúy nói .

Trong đó, phát triển kinh tế số có trọng tâm, trọng điểm vào 10 ngành lĩnh vực chính; cung cấp các chương trình hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp truyền thống ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, khuyến khích các hộ bán buôn, bán lẻ tham gia các sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến; triển khai đồng bộ và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số…

Để thúc đẩy kinh tế số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, lấy kết quả triển khai thí điểm khảo sát, đánh giá và thúc đẩy mức độ chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ tại quận Phú Nhuận nhân rộng cho toàn Thành phố.

Cùng với đó, tập trung vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ và xây dựng niềm tin với người tiêu dùng thông qua các chiến lược marketing hiệu quả. để tận dụng lợi thế cạnh tranh và cùng nhau phát triển; thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước, ứng phó với sự bành trướng của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và giảm thiểu nguy cơ bị đào thải, đồng thời tạo ra các cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nội địa.

Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thành công của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số trong quản lý kinh doanh của doanh nghiệp.

“Cách đây 15 năm, khi khái niệm về nền nông nghiệp 4.0 còn khá mơ hồ tại Việt Nam, Anh hùng Lao động Thái Hương - nhà sáng lập Tập đoàn TH đã có tầm nhìn xa về việc kết hợp khoa học - công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau để tạo ra những sản phẩm chất lượng hàng đầu có năng suất cao, giá thành hợp lý, vì sức khỏe cộng đồng”, ông Ngô Minh Hải nói và chia sẻ: Từ tầm nhìn và quyết tâm đó, Tập đoàn TH đã đầu tư bài bản những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến hàng đầu của thế giới về Việt Nam, áp dụng đồng bộ và xuyên suốt trong mọi quy trình sản xuất khép kín.

Cụ thể, từ 15 năm trước, Tập đoàn TH đã tiên phong ứng dụng Công nghệ số vào các hoạt động sản xuất và quản trị, có thể kể đến như: Hệ thống Chip AfiTagTM đeo ở chân bò để theo dõi sức khỏe, sản lượng sữa, thời điểm động dục, từ đó, quản lý sinh sản cho bò sữa; các phần mềm phục vụ lập khẩu phần, phối trộn chế biến và cung cấp thức ăn cho bò sữa hoàn toàn tự động bằng vi tính hóa 100%; các công nghệ hàng đầu thế giới để quản lý về giống và di truyền cho bò sữa…

Minh Khuê

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, xem xét công tác nhân sự

Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Khoảng 30 nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống

Giá bất động sản phi mã, lao động, công chức khó có thể mua

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Nhiều mỏ cát phục vụ cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long không đạt tiêu chuẩn

Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025

Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước

Ngày Nhà giáo suy ngẫm về lời Tổng Bí thư 'phát động Bình dân học vụ số'

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

Hội nghị G20: Việt Nam thúc đẩy quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: 'Hôm nay, tôi là người hạnh phúc nhất trên thế gian này'

Triển vọng phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominicana

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Dominica

Đại biểu Quốc hội: Cần có cơ chế quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm

Dự án Luật Nhà giáo: Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong ngành giáo dục

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam cam kết đóng góp cho sự phát triển thế giới xanh, sạch, đẹp, bền vững

Đội ngũ giảng viên ngành Công Thương: Khẳng định sứ mệnh vẻ vang trong sự nghiệp 'trồng người'

Vụ học sinh đuối nước tại Phú Thọ: Thủ tướng chỉ đạo nỗ lực tìm kiếm học sinh mất tích