Bài 2: Những doanh nghiệp tiên phong trong sử dụng bao bì xanh
Từ trước đến nay, các thương hiệu thường ưu tiên sự hấp dẫn của bao bì và chi phí hơn là tính bền vững với môi trường. Điều này cần xem xét lại khi các quy định mới từ các thị trường quốc tế và tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi khi mà tính bền vững của môi trường đang là mối quan tâm hàng đầu.
Doanh nghiệp Việt thay đổi như thế nào?
Ông Bùi Quang Sỹ, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Thuận Đức (tỉnh Hưng Yên) cho rằng, bao bì thân thiện môi trường là xu hướng đang được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm. Việc sử dụng các loại bao bì này không chỉ góp phần vào việc giảm thiểu tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu bền vững,…
Theo ông Sỹ, với xu hướng này, các công ty sản xuất bao bì sẽ sử dụng 100% vật liệu an toàn, có thể tái chế, dễ tiêu hủy trong thời gian ngắn, không gây hại đến sức khỏe con người cũng như môi trường. Các loại nhựa thông thường sẽ sớm được thay thế bằng các vật liệu tự nhiên. Bên cạnh đó, một bao bì thân thiện với môi trường được thể hiện qua những hình ảnh thuộc về tự nhiên, hình ảnh vẽ bằng tay hoặc in biểu tượng lên bao bì,…
Một số loại bao bì “xanh” có thể kể đến là: túi vải PP, túi vải PP không dệt, túi giấy, hộp giấy, túi cói,… Ngày nay, những sản phẩm này đều đã trở nên khá phổ biến, đã trở thành xu hướng toàn cầu, giúp bảo vệ môi trường sống an toàn, thể hiện trách nhiệm với toàn xã hội.
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng vải thừa để sản xuất túi vải cung cấp cho khách hàng thay vì túi nilon khó phân hủy |
Bên cạnh đó, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống; hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại giá trị kinh tế - xã hội.
Để thực hiện các xu hướng trên, doanh nghiệp được xác định là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.
Những doanh nghiệp tiên phong
Là doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các sản phẩm hóa mỹ phẩm tại Việt Nam, Unilever Việt Nam đã cam kết có những hành động cụ thể trong việc giảm thiểu phát thải đặc biệt là rác thải nhựa thông qua kinh tế tuần hoàn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Unilever Việt Nam đã giảm 100% phát thải CO2 và giảm 100% rác thải là bìa carton cho hoạt động vận chuyển bao bì từ nhà máy cung cấp bao bì Công ty Dynaplast.
Đồng thời Unilever đã triển khai và hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc quản lý rác thải nhựa, pallet hỏng, thùng carton… biến rác thải trở thành nguồn năng lượng và phân bón lành mạnh trở lại phục vụ cho sản xuất.
Trong khi đó, với vai trò là doanh nghiệp phân phối hàng hóa tiêu dùng lớn tại Việt Nam với hệ thống các siêu thị mang thương hiệu AEON trên toàn quốc, thời gian qua AEON Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong giảm thiểu rác thải nhựa, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, AEON Việt Nam chia sẻ, sử dụng bao bì xanh là một trong những mục tiêu lớn tiêu AEON Việt Nam xây dựng và phát triển hệ thống phân phối, xuất nhập khẩu bền vững thông qua mục tiêu: Xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Theo đó AEON Việt Nam đã cung cấp nhiều mẫu mã và sự lựa chọn túi thân thiện môi trường, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng của đa dạng các khách hàng.
Đơn cử như dịch vụ cho thuê túi- hỗ trợ khách hàng đưa ra những lựa chọn tiêu dùng bền vững dễ dàng hơn. Khách hàng sẽ đặt cọc 5.000 đồng để đựng các sản phẩm khi mua hàng để giảm thiểu túi nilon, số tiền này khách hàng sẽ được hoàn trả vào lần mua hàng sau khi khách hàng mang túi đến trả.
AEON cung cấp dịch vụ thuê túi để giảm thiểu sử dụng túi nilon trong phân phối, kinh doanh giúp nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng |
Bên cạnh đó, AEON Việt Nam cũng đã tối ưu hóa quy trình bao gói hàng hóa, giảm lượng túi phân hủy sinh học từ 5 túi/ giao dịch xuống còn 3 túi; chuyển đổi các vật liệu chứa đựng (khay, tô, ly, ống hút,…) từ nhựa & xốp dùng 1 lần sang chất liệu thân thiện môi trường như giấy, bã mía…; chuyển đổi thẻ thành viên chất liệu nhựa và phiếu chiết khấu giấy sang ứng dụng đi động.
Đặc biệt, từ năm 2019 AEON Việt Nam đã dừng hoàn toàn việc bày bán và cung cấp các sản phẩm nhựa dùng 1 lần (khay, tô, dĩa, ống hút).
Đến nay, 98% túi mua sắm tại các địa điểm kinh doanh của AEON Việt Nam được làm bằng chất liệu phân hủy sinh học – thân thiện môi trường”, bà Huệ cho biết thêm.
Nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững, AEON Việt Nam cũng đã đồng hành và khuyến khích khách hàng thông qua một số sáng kiến như: “Tặng thưởng” cho các giao dịch từ chối túi ni-lông 1.000đ trực tiếp vào hóa đơn; đẩy mạnh truyền thông tực tiếp và truyền thông trực tuyến đến người tiêu dùng liên quan đến bảo vệ môi trường nói riêng và tiêu dùng bền vững nói chung; cuộc thi thiết kế túi môi trường cùng sinh viên ĐH Kiến Trúc; các hoạt động về tiêu dùng bền vững cho nội bộ: đào tạo kiến thức về môi trường cho nhân viên (đóng gói hàng, …), các hoạt động thi đua dùng ly riêng, mượn túi …
Đánh giá về lợi thế thương hiệu và uy tín của các doanh nghiệp sử dụng bao bì xanh, ông Bùi Quang Sỹ cho rằng, việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho ngành sản xuất bao bì hơn đối thủ khác trên thị trường.
Việc sử dụng túi phân hủy sinh học, thân thiện môi trường đã làm tăng chi phí của các doanh nghiệp |
Tuy nhiên, các công ty sản xuất bao bì cũng phải đối mặt với những khó khăn như: tỉ suất lợi nhuận bị giảm do phải tăng chi phí sản xuất, các trở ngại về chuyển đổi công nghệ, số lượng người tiêu dùng nhận thức được việc cần phải sử dụng bao bì “xanh” vẫn chưa chiếm đa số,…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ cho rằng, khó khăn mà AEON Việt Nam chủ yếu gặp phải trong quá trình thực hiện là đến từ việc giá thành của các vật liệu bao gói, hàng hóa thân thiện môi trường còn cao vì chưa được đầu tư công nghệ và hỗ trợ tài chính để sản xuất đại trà…
Dù còn một số khó khăn, song đã có những tín hiệu tích cực từ nhận thức đến hành động của cộng đồng thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng, nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
Bài 3: Thiếu lực đẩy cho ngành công nghiệp môi trường Việt Nam