Thứ sáu 08/11/2024 18:30
Sửa đổi, bổ sung các Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Những vấn đề đặt ra

Bài 2: Một số cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị gì?

Báo Công Thương ghi nhận ý kiến của một số cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị về sửa đổi Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu?

Các bộ ngành quan tâm vấn đề gì?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo trên nghị trường Quốc hội: “Sắp tới, chúng tôi đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định, giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả phần quyết định giá và chi phí định mức để chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lý giải, Luật Giá đã quy định phân cấp và chuyển quản lý giá với từng mặt hàng, lĩnh vực về bộ ngành. Do đó, chỉ cần thực hiện việc sửa đổi các quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu thì sẽ có căn cứ để thực hiện việc chuyển thẩm quyền quản lý mảng xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công Thương.

Trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 83, 95, một vấn đề được đặc biệt quan tâm là Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được lập theo Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này (Nghị định 83 và Nghị định 95). Tức là quỹ này đã tồn tại trước thời điểm Luật Giá 2012 được ban hành.

Vẫn cần giữ Quỹ bình ổn giá như một cái "van" điều tiết giá thị trường

Theo Bộ Tài chính, bối cảnh giai đoạn vừa qua khi giá xăng dầu thế giới nhiều biến động, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả, tạo "bước đệm" bình ổn giá và không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc. Chính phủ thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu và đưa ra các cơ chế để sử dụng công cụ quỹ này công khai, minh bạch hơn.

Thực tế, trong quá trình dự thảo Luật giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đã bổ sung quy định và đưa thành một điều riêng về lập Quỹ bình ổn giá. Chính phủ sẽ đưa ra các quy định cụ thể về quản lý, sử dụng, theo dõi, giám sát và công khai, minh bạch quỹ. Như vậy, trong Nghị định sửa đổi Nghị định 83, 95, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chắc chắn vẫn được duy trì để sử dụng như một cái “phao” điều tiết giá xăng dầu.

Phát biểu trong cuộc họp gần đây với các doanh nghiệp đầu mối về vấn đề kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ thời gian qua là do khan hiếm nguồn cung trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài. Cùng đó là biên độ dao động của giá xăng dầu lên xuống thất thường gây rủi ro cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các loại chi phí định mức tuy đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa được cập nhật để phản ánh được thực chất và đầy đủ; hạn mức tín dụng thấp và tỷ giá đồng đô la liên tục tăng cao gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như: Một số cửa hàng phân phối và các thương nhân bán lẻ còn hoạt động nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp, không có những hợp đồng ràng buộc với các doanh nghiệp phân phối, thiếu sự chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các bên...

“Bộ Công Thương sẽ sửa theo hướng những điều kiện của thương nhân phân phối cho đến cửa hàng bán lẻ phù hợp thực tế hơn. Bởi “cú sốc” vừa rồi đã bộc lộ những khuyết khiếm trong quy định hiện hành của chúng ta. Bộ cũng sẽ sửa theo hướng một mặt tăng trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị của các doanh nghiệp nói chung, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhất là doanh nghiệp Nhà nước nói riêng. Mặt khác, cũng phải xây dựng cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Theo đó, trong quá trình sửa đổi các Nghị định, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến chu kỳ điều hành giá. Vấn đề có để thả nổi giá xăng dầu theo giá quốc tế hay không; phát huy vai trò quản lý, bình ổn giá của Nhà nước như thế nào cho hợp lý... cũng đang được lãnh đạo Bộ và cơ quan quản lý tiếp tục đánh giá, đề cập trong các phương án dự thảo.

Đối với vấn đề hệ thống kinh doanh xăng dầu đang nhiều tầng nấc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng hệ thống kinh doanh xăng dầu qua nhiều tầng, nấc sẽ rất rối trong những tình huống thị trường biến động, bất thường. Chính vì vậy, thời gian tới cần có sự sắp xếp lại hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối đến các thương nhân phân phối và các tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Bên cạnh các vấn đề về giá và hệ thống phân phối, việc sửa đổi các văn bản cũng sẽ tập trung vào việc nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trên thị trường xăng dầu. “Nếu rút giấy phép thương nhân phân phối, đồng nghĩa chặt đứt nguồn cung cửa hàng bán lẻ, đại lý. Không thể có chuyện “quýt làm cam chịu”. Sau này chúng tôi sẽ làm theo hướng doanh nghiệp nào vi phạm thì lần 1 phạt tiền, lần 2 phạt tiền cao hơn và lần 3 thu hồi giấy phép. Có doanh nghiệp rời thị trường thì doanh nghiệp khác sẽ đến, trăm người bán, vạn người mua” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Riêng với vấn đề dự trữ xăng dầu, hiện Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia, hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu.

Doanh nghiệp nói gì về sửa đổi Nghị định?

Việc sửa đổi Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp. Bên cạnh việc đồng thuận với một số nội dung mà Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề cập, doanh nghiệp có cụ thể hóa và bổ sung thêm một số vấn đề như sau.

Thứ nhất, mục tiêu xây dựng Nghị định mới thay nghị định 95/2021/NĐ-CP phải đảm bảo được các nội dung như đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; phát huy quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; đồng thời bảo đảm thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước.

Việc sửa đổi các Nghị định phải làm sao đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Bên cạnh đó, tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, chất lượng, đo lường xăng dầu lưu thông trên thị trường và dự trữ lưu thông theo quy định. “Bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu trong nước trong mọi tình huống, đồng thời đảm bảo ổn định an sinh xã hội; an ninh năng lượng quốc gia” – ông Nguyễn Đức Hạnh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải khẳng định.

Thứ hai, vấn đề quan trọng và được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất chính là cơ cấu tính giá. Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cần căn cứ vào việc rà soát lại 1 Quyết định và 5 Nghị định liên quan đến xăng dầu, đặc biệt là vấn đề cơ cấu giá.

Ông Bùi Ngọc Bảo phân tích cụ thể, Quyết định 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 về việc ban hành quy chế quản lý xăng dầu cho phép Nhà nước đưa ra giá định hướng đối với mặt hàng xăng cho phép doanh nghiệp điều chỉnh xăng +-1%, dầu +- 5%. Sau đó, năm 2007 đưa ra Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có nhiều chế tài hơn nhưng giá vẫn theo tư tưởng thị trường hóa, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh, xăng thả nổi và dầu bù lỗ.

Đến năm 2009, Chính phủ ra Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu – đây là Nghị định tính toán kỹ và tương đối tiên tiến, đã đưa ra giá định hướng, doanh nghiệp được quyền tăng, giảm từ 7% - 13% và được quyền quyết định 60%, còn lại lấy từ Quỹ bình ổn giá. Theo ông Bảo, đây là văn bản tương đối sát và có cách định giá phù hợp với tình hình.

“Tuy nhiên, đến năm 2014, Chính phủ bắt đầu ra Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thì giá cơ sở coi như giá cứng, vừa là giá trần, vừa là giá sàn, doanh nghiệp không được quyền quyết định. Vô hình chung, xuyên suốt thị trường giai đoạn này là giá bình ổn. Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 83 cũng tương tự” - ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng để thị trường xăng dầu vận hành ổn định, tránh các “cú sốc” bất thường, Chính phủ chỉ nên đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần. Nếu giá thế giới biến động cao hơn giá trần thì sử dụng các công cụ khác như thuế, phí.

Cũng liên quan đến vấn đề cơ cấu tính giá, TS Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, nên giữ nguyên điều chỉnh giá 10 ngày/lần hoặc 15 ngày/lần. Như thế sẽ dễ hạch toán sổ sách và giá xăng dầu sử dụng phục vụ cho người dân và nền kinh tế cũng ổn định hơn. Tuy nhiên, đối với kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ, dịp Tết Nguyên đán thì phân công người trực điều hành giá để đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh được bình thường. “Minh chứng là vì không chỉnh giá dịp Tết Nguyên đáng vừa qua, doanh nghiệp thua lỗ lớn đã gây bất ổn cho thị trường xăng dầu” – TS Giang Chấn Tây nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, TS Giang Chấn Tây cũng nêu ý kiến, nên quy định mức chiết khấu tối thiểu và định mức chiết khấu cho mỗi khâu: Doanh nghiệp đầu mối bao nhiêu? Thương nhân phân phối bao nhiêu? Cửa hàng bán lẻ bao nhiêu? Đây là yếu tố cốt lõi. Bởi hiện nay có đến 17.000 cửa hàng bán lẻ nên cần quản lý chặt chẽ hơn, cần quy định chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ và thương nhân phân phối để các cửa hàng hoạt động được ổn định và xem đây như là công cụ để quản lý nhằm giúp cho doanh nghiệp bán lẻ không phải đóng cửa gây hỗn loạn thị trường và gây khó cho người tiêu dùng.

Đối với việc tính giá cơ sở, TS Giang Chấn Tây cho biết, có thể chia ra 2 trường hợp. Trường hợp thứ 1 là đưa về cho doanh nghiệp đầu mối tính giá thành cơ sơ xăng dầu rồi báo cáo về Bộ Công Thương làm cơ sở quyết định giá bán theo giá bình quân chung để điều tiết hài hoà lợi ích các bên liên quan.

Trong trường hợp này, có thể Bộ Công Thương sẽ chọn 10 hay 15 doanh nghiệp đầu mối hoạt động ổn định và thường xuyên nhất để cộng lại và chia cho số lượng tương ứng sẽ ra đơn giá cơ sở bình quân. Tuy nhiên cần phải có hậu kiểm và xử phạt nghiêm những doanh nghiệp tính không trung thực theo Luật Kế toán, Kiểm toán và Luật Quản lý thuế. Doanh nghiệp nào có chi phí cồng kềnh sẽ bị thị trường đào thải.

Trường hợp thứ 2, do Bộ Công Thương thu thập thống kê giá xăng dầu và tự định mức chi phí kinh doanh trên cơ sở chi phí thực tế mà doanh nghiệp đầu mối báo cáo nhưng không nhỏ hơn chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có thời gian điều chỉnh chi phí không quá 30 ngày (theo chỉ đạo của Chính phủ) để đảm bảo chi phí định mức gần sát với thực tế của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Hạnh nêu quan điểm, về nguyên tắc điều hành giá và công thức tính giá xăng dầu. Đối với nguyên tắc điều hành giá, cần điều hành giá kịp thời, 10 ngày một lần kể cả ngày nghỉ. Trường hợp giá thế giới biến động bất thường tăng – giảm trên 7%, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng để quyết định.

Đối với công thức tính giá xăng dầu, giá bán xăng dầu cần dựa trên nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ, kịp thời giá thành xăng dầu từ khâu nhập khẩu, đến khâu bán lẻ. Giá thành vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về cảng dầu Việt Nam và các chi phí vận tải các nhà máy lọc dầu trong nước về tới kho đầu nguồn một tháng tính một lần. Giá thành của khâu nhập khẩu có thể lấy căn cứ từ các doanh nghiệp đầu nhập khẩu có thị phần lớn như Petrolimex, Tổng công ty dầu Việt Nam; Tổng công ty Xăng dầu Quân Đội; Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà và Sài Gòn Petrol.

“Riêng chi phí lưu thông từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ đối với xăng E5 và xăng A95 cần được tính toán ở mức 7%/giá bán lẻ xăng dầu từng thời điểm/lít thực tế. Đối với dầu Diesel là 6,5%/giá bán lẻ xăng dầu từng thời điểm/lít thực tế” - ông Hạnh đề xuất.

Thứ ba, các doanh nghiệp cho rằng, cần có những quy định chặt chẽ về hệ thống phân phối mặt hàng xăng dầu vốn được đánh giá là có nhiều “tầng nấc” như hiện nay.

Cụ thể, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, vấn đề quan trọng là phải có các hợp đồng chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Bởi trong thời gian vừa qua, một trong những lỗ hổng chính là các hợp đồng kinh tế giữa các chủ thể là các doanh nghiệp, đại lý, tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu với nhau không chặt chẽ về trách nhiệm đảm bảo nguồn, không chặt chẽ về chi phí chiết khấu. Do đó, đây là vấn đề cốt lõi.

Đồng ý kiến, ông Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ, thực tế, mỗi tầng nấc đều có những vai trò riêng trong hệ thống phân phối. Tuy nhiên, có thể giảm xuống 3 tầng nấc (doanh nghiệp sản xuất – doanh nghiệp đầu mối; thương nhân phân phối – tổng đại lý; cửa hàng bán lẻ) để thuận lợi hơn cho việc quản lý.

Thứ tư, doanh nghiệp cho rằng cần quy định rõ ràng hơn về việc đầu mối lấy hàng của doanh nghiệp. TS Giang Chấn Tây thẳng thắn chia sẻ, cần sửa đổi quy định cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng 2 nơi. Mỗi nơi cam kết cung cấp hàng 5/5 hoặc 6/4 hay 7/3 tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng và ghi sản lượng đăng ký cụ thể. Khi đó, cửa hàng bán lẻ sẽ có 02 logo của hai nơi cung cấp hàng.

Đối với quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu, cần quy định chỉ lấy xăng dầu ở không quá 2 thương nhân đầu mối. Bởi hiện nay do được lấy nhiều nơi nên thì không nơi nào có quan hệ ràng buộc, do vậy khi khan hàng là không nơi nào chịu trách nhiệm cung cấp hàng. Từ đó xảy ra tình trạng không có nguồn hàng cung cấp dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ không còn lối thoát do chỉ được lấy một nơi theo quy định.

“Nếu để thương nhân phân phối thì bỏ hẳn tổng đại lý. Điều này sẽ giảm đáng kể việc có quá nhiều tầng nấc trung gian làm cho việc phát sinh nhiều lần lưu kho, luân chuyển kho làm giảm chất lượng xăng dầu, hao hụt và chi phí tăng cao, lợi nhuận chia nhỏ nhiều. Nên ưu tiên phân phối hàng theo hệ thống của công ty đầu mối giống như Petrolimex là rất hiệu quả” – TS Giang Chấn Tây nói.

Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, trong Nghị định sửa đổi, nên dành hẳn một chương về lưu thông phân phối mặt hàng xăng dầu, trong đó quy định rõ vấn đề này.

“Ví dụ, quy định tổng đại lý/đại lý lấy hàng từ một nguồn cũng được, nhưng ví dụ khi nguồn hàng đó không đảm bảo, thì tổng đại lý/đại lý phải được chuyển sang lấy hàng từ nguồn khác. Lúc này, phải có quy định cơ quan chức năng phải giải quyết sớm cho doanh nghiệp, tránh việc đứt gãy nguồn hàng” – ông Hạnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong chương này cũng cần quy định rõ về hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp, trong đó cam kết rõ cả về nguồn hàng, chiết khấu, tránh tình trạng doanh nghiệp lỗ quá phải đóng cửa, gây đứt gãy nguồn cung cục bộ.

Thứ năm, doanh nghiệp đề xuất về đầu mối quản lý kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Theo đó, nhiều đề nghị giao toàn bộ phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý và điều hành. Tuy nhiên, các quy định về quản lý cần được làm rõ ràng để tạo thuận lợi nhất cho Bộ Công Thương có thể làm tốt việc quản lý giá và cần đồng bộ, thống nhất với Luật Quản lý Giá.

Thứ sáu, doanh nghiệp cho rằng đây là giai đoạn cần tính đến việc dự trữ xăng dầu quốc gia để đảm bảo có nguồn hàng ổn định, khi nào giá thế giới lên thì bán ra để bình ổn, lúc nào giá thế giới xuống thì mua vào dự trữ. Nếu như quản lý tốt, kho dự trữ sẽ có thể sinh lời lớn. “Đây là việc lớn và rất khó nhưng cũng cần phải tính đến và chuẩn bị vì nó liên quan mật thiết đến an ninh năng lượng quốc gia” – ông Hạnh lưu ý.

Một doanh nghiệp khác cũng cho rằng một trong những nội dung cần sử đổi của Nghị định 95 là phải có kho có sức chứa từ 80.000-100.000m3 và cảng – khu neo chuyển tải từ 20.000-50.000 tấn, sản lượng xăng dầu tiêu thụ tối thiểu 60.000 m3. Hoặc cảng cứng từ 15.000 tấn thay cho cảng 20.000 tấn.

Các chuyên gia kinh tế “hiến kế”

PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc sửa đổi Nghị định cần tập trung vào những điểm nghẽn của thị trường xăng dầu hiện nay.

Vấn đề liên quan đến việc tính chi phí kinh doanh và chi phí tạo nguồn không sát với thị trường dẫn đến việc các đại lý chiết khấu rất thấp, thậm chí là bằng 0 cho doanh nghiệp bán lẻ. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, không can thiệp đến vấn đề chiết khấu này, vì đây là quan hệ dân sự giữa các thương nhân với nhau nên để cho họ tự quyết định.

TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế cho biết, nếu thống nhất sửa nghị định, thì thứ nhất là phải sửa đổi vấn đề liên quan tới đầu mối xác định giá cơ sở. Đầu mối này nên chuyển về Bộ Công Thương, còn để ở Bộ Tài chính như hiện nay thì có cái khó là việc phản ứng kịp thời với biến động của thị trường sẽ bị hạn chế. Nên xem lại một số các quy định liên quan đến các thương nhân đầu mối.

Theo TS Vũ Đình Ánh, hiện nay đang có nhiều thương nhân đầu mối

Theo TS Vũ Đình Ánh, hiện nay thương nhân đầu mối tại Việt Nam quá nhiều, hơn 30 thương nhân đầu mối, trong đó có không ít thương nhân đầu mối có quy mô khá nhỏ. Khi những thương nhân đầu mối nhỏ như vậy bị gián đoạn kinh doanh thì sẽ gây ra những việc gián đoạn cục bộ trên thị trường. Chính vì vậy, nên có hướng thu hẹp các thương nhân đầu mối, chỉ tập trung vào những đầu mối lớn, họ có năng lực thật sự. Bên cạnh đó, cũng cần rút bớt lại số lượng thương nhân phân phối.

“Tuy nhiên, tất cả những thiết kế trên cần phải dựa theo hướng từng bước để cho thị trường quyết định, nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý, chứ không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh xăng dầu nữa” – TS Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.

TS Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, nên để doanh nghiệp được quyết định giá theo đúng cung-cầu thị trường. Chi phí định mức cũng vậy, chỉ nên định hướng và để doanh nghiệp quyết định mức cụ thể.

“Đặc biệt, để cải tiến hệ thống phân phối đang nhiều tầng nấc thì cần bổ sung quy định: Nếu đơn vị nào có đủ điều kiện về cầu cảng về cơ sở hạ tầng về kho bãi, phương tiện vận chuyển thì khi đủ điều kiện sẽ kinh doanh và cần hạn chế đến mức thấp nhất chuyện "đồng sở hữu" để hệ thống không có sở hữu chéo, chồng chéo lẫn nhau, gây bất cập cho việc điều hành. Nhà nước chỉ định hướng, còn lại để doanh nghiệp quyết định theo cung-cầu thị trường” – ông Nguyễn Tiến Thỏa góp ý.

Nêu rõ quan điểm cần rút ngắn các khâu lưu thông phân phối, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói, về lâu dài, phải có một đề án về phân phối lưu thông mặt hàng xăng dầu. Phải cắt bớt các khâu trung gian để giá bán đến người dân là giá bán cạnh tranh nhất, doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận hợp lý trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, về lâu dài cũng cần tính tới việc đa dạng hóa các nhà đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu, kể cả nhà đầu tư tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ sẽ tự chịu trách nhiệm về giá cả xăng dầu đưa ra thị trường, có như thế mới có được một mức giá cạnh tranh cho người tiêu dùng.

Nhóm phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: Kinh doanh xăng dầu

Tin cùng chuyên mục

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Vượt kế hoạch tiến độ tháng 10/2024

Hải Dương: Chấp thuận dự án truyền tải điện tổng mức đầu tư hơn 783 tỷ đồng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu những nhiệm vụ trọng tâm để gỡ vướng cho các dự án lưới điện

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp trực tuyến về các dự án lưới điện

Sửa đổi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư: Động lực mới cho ngành điện Việt Nam

EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung

Tổng giám đốc EVNCPC kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 6 tại PC Quảng Bình

EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần

Phổ biến Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Ngành điện miền Nam đưa vào vận hành loạt công trình điện trọng điểm

Nghiên cứu cơ chế giá điện khuyến khích khách hàng điều chỉnh phụ tải điện

Bất chấp các lệnh trừng phạt Nga vẫn ‘bơm’ khí đốt cho châu Âu

Hoàn thiện công trình lưới điện trung hạ áp khu vực Chư Prông, Gia Lai

Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu

EVNSPC hoàn thành loạt công trình lưới điện 110kV chỉ trong 1 tuần

PC Lai Châu: Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo tài sản ngành điện

Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương hoàn thành kế hoạch sản lượng điện năm 2024

Growatt ra mắt biến tần hybrid mới cho ứng dụng lưu trữ trong thương mại quy mô vừa và nhỏ

EVNNPT đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán

Than thương phẩm 10 tháng của TKV đạt 40,98 triệu tấn