Bài 1: Căng mình đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải
Nhận diện những khó khăn
Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) được giao nhiệm vụ truyền tải điện từ cấp 220kV đến 500kV trên 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây nguyên, nơi đang tập trung toàn bộ các nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn của các nhà máy điện lớn ở khu vực.
Ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc PTC3 chia sẻ, truyền tải điện từ các nhà máy giải tỏa công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo lên lưới truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt khi bước vào mùa khô là một áp lực không nhỏ.
Hiện tất cả các nguồn công suất truyền tải từ Nam ra Bắc hoặc các nguồn miền Trung đều đi qua khu vực PTC3 quản lý khi lưới điện luôn trong trình trạng vận hành đầy và quá tải. Ảnh: H.T |
Với khối lượng quản lý vận hành đường dây hơn 6.000 km chủ yếu đi qua khu vực rừng núi, trung du, lãnh đạo PTC3 cho rằng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây dẫn đến mất an toàn vận hành đường dây.
Như việc người dân khai thác đất gần chân móng cột, tự chuyển đổi canh tác qua trồng các loại cây phát triển nhanh ngoài hành lang tuyến, nguy cơ ngã đổ vào đường dây; rồi người dân tự ý đốt thực bì gần đường dây sau thu hoạch dễ gây cháy rừng; hay các công trình, vận hành phương tiện cơ giới gần đường dây lưới điện cao áp…. "Đó là thực trạng đang diễn ra tại hầu hết địa bàn các tỉnh có đường dây truyền tải điện đi qua", ông Đinh Văn Cường nhận định.
Trên thực tế, nhiều sự cố đã xảy ra gây ảnh hưởng đến đường dây do PTC3 quản lý, như hồi tháng 9/2023, đám cháy tại nhà kho ở Khu công nghiệp Phước An (Bình Định) bùng phát nhanh, mạnh, nhiều khói bụi, kèm với gió lớn, hướng gió thổi khói bụi về phía đường dây nên đã gây gián đoạn cung cấp điện đường dây 220kV Quy Nhơn – Phước An, 220kV Quy Nhơn – Thủy điện An Khê (2 đường dây đi chung cột).
Gián đoạn cung cấp điện đường dây 220kV do ảnh hưởng vụ cháy gần hành lang tuyến. Ảnh: H.T |
Trước đó, tháng 3/2021, tại vị trí khoảng cột 344-345 đường dây 220kV Nha Trang - Thiên Tân (Khánh Hoà), người dân đã để xe cần cẩu vi phạm khoảng cách an toàn, gây sự cố phóng điện giữa pha B với xe cẩu làm gián đoạn cung cấp điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực đảm bảo ổn định an ninh năng lượng cung cấp điện cho khu vực nói riêng cho lưới điện truyền tải quốc gia nói chung.
Chưa kể, vào mùa hè khi học sinh nghỉ học đã xảy ra tình trạng thả diều ngay dưới đường điện cao áp đi qua, nếu vướng vào đường dây điện đang vận hành rất dễ gây ra chạm chập điện, cháy nổ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của chính các em
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi thả diều gần đường dây điện cao áp. Ảnh: H.T |
Chủ động những giải pháp
Theo ông Hồ Văn Hường, Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa, để đảm bảo truyền tải điện an toàn trong mùa khô, đơn vị đã chủ động các giải pháp như: Phát quang chống cháy hành lang với tổng diện tích gần 70 nghìn m²; đồng thời có phương án bố trí nhân sự kết hợp với giám sát qua camera gắn tại các vị trí xung yếu để luôn theo dõi chặt chẽ các khu vực trồng mía và nắm bắt thông tin liên tục nếu có thay đổi trong việc thu hoạch, đốt thực bì, xác lá mía từ phía người dân.
Chủ động phát quang, phòng chống cháy hành lang các đường dây truyền tải điện. Ảnh: H.T |
Ông Nguyễn Đức Lộc, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Tánh Linh (Truyền tải điện Bình Thuận - PTC 3) cho biết người dân địa phương đa số trồng cây cao su, tràm, điều; đội phải chủ động tìm hiểu, nắm rõ đặc điểm của từng loại cây và quy tắc canh tác, từ đó có kế hoạch phối hợp, vận động người dân chặt tỉa vào thời điểm phù hợp.
Đối với một số hộ dân chưa đồng thuận giải quyết, hay một số cây cao su ngoài hành lang đang mùa thu hoạch chưa thể chặt tỉa, thì đội tạm thời chằng néo chắc chắn, không để xảy ra tình trạng gãy, đổ vào đường dây khi mưa gió.
Đội Truyền tải điện Tánh Linh (Truyền tải điện Bình Thuận) phối hợp người dân chặt tỉa cây tại khoảng cột 109 - 110 đường dây 220kV Hàm Thuận - Đa Mi - Xuân Lộc. Ảnh: H.T |
"Đặc biệt vào mùa khô, đội phải sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, triển khai tổ chức phát quang chống cháy hành lang lưới điện 220kV, 500kV đảm bảo không có chất cháy dưới hành lang lưới điện tại các khu vực có nguy cơ cháy cao", ông Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.
Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận Phan Đình Minh thông tin, đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động người dân sinh sống dọc tuyến hành lang đường dây không để xảy ra việc thả diều, đốt rừng, nương rẫy; vận động các hộ trồng nho, táo có sử dụng lưới che thực hiện việc chằng néo, đảm bảo an toàn không để nguy cơ vi phạm hành lang an toàn tuyến đường dây, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống Truyền tải điện Quốc gia.
Bài 2: Tăng cường công tác phối hợp quản lý vận hành lưới điện truyền tải