Bắc Ninh: Số doanh nghiệp thành lập mới và ‘hồi sinh’ tăng mạnh
Cùng với đó, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2024 cũng đạt 4,8 tỷ đồng, tăng 7,7%. Ngoài ra, có 106 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 89,3% so với tháng trước và tăng 146,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp thành lập mới và ‘hồi sinh’ trong tháng 10/2024 của Bắc Ninh tăng mạnh Ảnh: Bacninh.gov.vn |
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tính chung 10 tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn là 3.229 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 33.138 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 11% về số doanh nghiệp và tăng 19,1% về tổng vốn đăng ký; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,3 tỷ đồng, tăng 7,2%.
Cũng trong 10 tháng, có 902 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,6%. Như vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và tái gia nhập thị trường là 4.131 doanh nghiệp, tăng 12,4%. Ngoài ra, có 305 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình, nhằm thích nghi theo mô hình hoạt động phù hợp hơn.
Đánh giá của giới chuyên gia, 10 tháng qua, Bắc Ninh duy trì mức tăng khá cao ở cả 3 chỉ tiêu, đó là số //doanh-nghiep-thanh-lap-moi.topic, tổng vốn đăng ký và vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới. Với số liệu tích cực như vậy sẽ tạo thêm dư địa cho kinh tế của tỉnh thời gian tới.
Trên tinh thần "Đồng hành cùng làm - Cùng thắng", mong muốn giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, thời gian qua các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh luôn chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Minh chứng rõ nét, từ đầu năm 2024 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm, kịp thời chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, tổng dư nợ cho vay từ đầu năm đến nay đạt gần 183.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt hơn 135.000 tỷ đồng, chiếm 74,1% và tăng 14,8%.
Bên cạnh đó, các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước thông qua chương trình xúc tiến thương mại với cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước được triển khai thường xuyên.
Ngoài ra, các Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo cải cách hành chính duy trì hoạt động hiệu quả để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án của nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Cùng với đó, các ngành, địa phương triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh như giảm miễn thuế, tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, ổn định thị trường.
Đáng chú ý, từ tháng 10/2024, tỉnh Bắc Ninh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp vào ngày 13 hàng tháng. Mỗi tháng sẽ lựa chọn một chủ đề nhằm cung cấp kịp thời những thông tin, chính sách, hướng dẫn mới của Chính phủ, bộ, ngành và của tỉnh đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên theo ông Vương Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: "Chúng ta gặp mặt định kỳ ngày 13 hằng tháng, như vậy mỗi tháng đều có một ngày doanh nhân nhưng tôi cũng xin khẳng định liên quan đến giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp thì ngày nào cũng là ngày doanh nhân. Sau các cuộc gặp mặt, tỉnh sẽ có văn bản kết luận để giải quyết kịp thời".
Trên quan điểm muốn doanh nghiệp phát triển bền vững phải có đội ngũ doanh nhân vững mạnh, muốn đội ngũ doanh nhân vững mạnh thì phải có môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, Bắc Ninh đang nỗ lực cao nhất để tạo ra thể chế, pháp lý linh hoạt, rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, ngoài việc duy trì thực thi các giải pháp hữu hiệu kể trên, Bắc Ninh tập trung chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để làm cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư.
Trọng tâm là thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…; tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành nghề theo định hướng “3 cao, 2 ít” (công nghệ cao, suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao; ít sử dụng đất, ít lao động), nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, các doanh nghiệp mới đưa nhà máy vào vận hành sản xuất, kinh doanh, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn.