Bắc Ninh liên tiếp đón nhà đầu tư đẳng cấp
Không phụ thuộc vào một doanh nghiệp, thị trường
Chia sẻ thông tin với báo chí trong một hội nghị mới đây, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm: Định hướng phát triển kinh tế của Bắc Ninh thời gian tới là không phụ thuộc vào một doanh nghiệp, thị trường nào mà tiến tới hài hòa các doanh nghiệp, thị trường đầu tư cũng như ngành nghề.
Định hướng phát triển kinh tế của Bắc Ninh thời gian tới là không phụ thuộc vào một doanh nghiệp, thị trường nào. Ảnh minh họa |
Quay trở lại hơn một thập kỷ trước, vào những năm 2008, lần đầu tiên, sự hiện diện của Samsung - doanh nghiệp FDI lớn nhất Việt Nam tại Bắc Ninh đã giúp địa phương này "tỏa sáng" trên bản đồ kinh tế. Bắc Ninh đã vươn lên trở thành một trong những địa phương có kim ngạch xuất khẩu luôn nằm trong top đầu cả nước.
Tuy nhiên năm 2023, doanh thu “gã khổng lồ” về công nghệ của Hàn Quốc sụt giảm cũng đồng nghĩa với kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh sụt giảm tới 12,9%, GRDP của địa phương này tăng trưởng âm 9,28%. Đây là mức giảm mạnh nhất sau nhiều năm và cũng là mức giảm sâu nhất trong cả 63 tỉnh, thành phố năm 2023.
Trong khi nhìn sang Bắc Giang – địa phương không được đánh giá nổi bật như Bắc Ninh nhưng nhiều năm gần đây lại luôn thuộc nhóm 10 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước. Năm 2023, Bắc Giang là tỉnh duy nhất xuất siêu (2,4 tỷ USD).
Qua tìm hiểu được biết, đóng góp vào kết quả ấn tượng của tỉnh Bắc Giang có trên 3 tỷ USD tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (cao hơn TP. Hà Nội với 2,9 tỷ USD) và phần lớn là dự án có vốn đầu tư từ 100 triệu USD trở lên. Điều này cũng lý giải cho nhu cầu mở rộng diện tích thuê nhà xưởng, phục vụ cho sản xuất công nghệ cao theo chuỗi, liên vùng tại Bắc Giang.
Qua sự so sánh tương đồng giữa hai địa phương liền kề cho thấy, việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài doanh nghiệp lớn, trong khi nguồn vốn FDI đi xuống dễ khiến tăng trưởng kinh tế của địa phương chững lại. Thực tế tại Bắc Ninh, ngay cả lãnh đạo tỉnh cũng thừa nhận điều này.
Đa dạng hóa đối tác
Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, cộng với từ bài học này, Bắc Ninh nhận thức được rằng để cân bằng thì phải đẩy mạnh đa dạng hóa đối tác, hướng tới có nhiều kênh phát triển hơn. Trong điều kiện khó khăn, việc đa dạng hóa lĩnh vực và đối tác sẽ mang lại sự an toàn. Trong điều kiện thuận lợi, điều này sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, địa phương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Cụ thể, về xúc tiến đầu tư tại chỗ, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh chủ động làm việc, gặp gỡ doanh nghiệp lớn đầu tư tại địa phương để thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất và kêu gọi doanh nghiệp vệ tinh, như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản tiêu biểu…
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Tập đoàn Công nghệ CMC, đoàn doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức, Công ty Kine SIC Semi (Mỹ), Cộng hòa Séc, Cộng hòa Hungary… nhằm trao đổi hợp tác, xúc tiến đầu tư vào Bắc Ninh.
Kết quả bước đầu đã có những khả quan. Cách đây không lâu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Vương Quốc Tuấn đã trao Giấy Chứng nhận điều chỉnh đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C. Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, nhà máy có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Thêm một tin vui nữa, Chủ tịch Tập đoàn Phillips Hàn Quốc cho biết đang tập trung cao cho chiến lược sản xuất xe điện, pin xe điện và sẽ xem xét đánh giá toàn diện dự án đầu tư nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh.
Mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có buổi gặp mặt với ông Bang Seung Ho - Chủ tịch Tập đoàn Phillips Hàn Quốc về tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 2.350 dự án đến từ 41 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư vào tỉnh. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư và là đối tác lớn nhất, với gần 100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt khoảng 14,7 tỷ USD (chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư FDI tại tỉnh). Các doanh nghiệp của Hàn Quốc đang dần mở rộng sang các lĩnh vực mới như bán dẫn, năng lượng sạch, xây dựng, bất động sản, phân phối, bán lẻ…
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh mong muốn, sau chuyến thăm, làm việc lần này, Tập đoàn Phillips Hàn Quốc có thể tìm thấy môi trường đầu tư phù hợp tại tỉnh Bắc Ninh, mở ra cơ hội hợp tác mới để cùng nhau tạo ra những sản phẩm điện tử mới, chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Bắc Ninh cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp cũng như Tập đoàn Phillips Hàn Quốc đầu tư và kinh doanh lâu dài, hiệu quả tại địa phương.
Ông Bang Seung Ho đánh giá cao tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Bắc Ninh; đồng thời chia sẻ, thời gian tới, Tập đoàn Phillips Hàn Quốc sẽ xem xét đánh giá toàn diện dự án đầu tư Nhà máy sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh, mong muốn cấp ủy, chính quyền, các Sở, ngành, địa phương của địa phương quan tâm, hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tập đoàn nghiên cứu, triển khai dự án trong thời gian tới.
Với sự lan tỏa tích cực từ các dự án FDI trước đó như Samsung, Canon, Foxconn... và nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của tỉnh ngay từ những ngày đầu năm, chắc chắn Bắc Ninh sẽ lấy lại được vị thế của một tỉnh công nghiệp năng động như vốn có từ nhiều năm trước.
Quan điểm xuyên suốt của tỉnh Bắc Ninh là không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà ưu tiên các dự án công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. |