Thứ hai 25/11/2024 16:47

Bắc Ninh kiên quyết xử lý các đơn vị làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Toàn tỉnh Bắc Ninh mới giải ngân được khoảng 2.814 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 42,8% so với số vốn 3 cấp UBND tỉnh, huyện, xã phân bổ chi tiết.

Dưới mức trung bình của cả nước

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng, nhằm quyết tâm thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2024 về “đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực, phục hồi tăng trưởng kinh tế”, Bắc Ninh đã đẩy mạnh tập trung nguồn vốn đầu tư cho các công trình phúc lợi công cộng; xử lý môi trường, dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh có sức lan tỏa, tạo không gian, dư địa, dẫn dắt đầu tư xã hội, tạo nền tảng phát triển cho tỉnh và các địa phương.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bắc Ninh còn thấp. Ảnh: BĐ

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ, thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường kiểm tra thực địa và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công, như: Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 295B; dự án đầu tư các tuyến ĐT.295C, ĐT.285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL.3 mới, ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường vành đai 4, dự án Bệnh viện Sản Nhi...

Đồng thời đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt những dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm, quan trọng, như: Đường vành đai 4, TL295C, TL285B, TL277B, cầu Nét, cầu Kênh Vàng.

Bên cạnh đó, triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025; ban hành Kế hoạch 258/KH-UBND về phát động phong trào thi đua “100 ngày cao điểm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh”, “455 ngày đêm hoàn thành xây dựng đường song hành (đường đô thị) đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội”; thành lập Tổ công tác liên ngành theo Quyết định 924/QĐ-UBND của UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cấp cát, đất đắp cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm...; khởi công cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương tại huyện Lương Tài…

Với một loạt giải pháp được triển khai liên tục, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có chuyển biến, tuy nhiên còn rất chậm, dưới mức trung bình cả nước; tốc độ tăng mỗi tháng trung bình thêm khoảng 4 - 5% chưa đạt yêu cầu.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, luỹ kế từ đầu năm đến ngày 21/10, toàn tỉnh giải ngân được 2.814 tỷ đồng (bao gồm cả vốn kéo dài), đạt 42,8% so với số vốn 3 cấp UBND tỉnh - huyện - xã phân bổ chi tiết; đạt 30,8% so với số vốn Chính phủ giao; đạt 32,2% so với số UBND tỉnh giao phân bổ chi tiết và giao UBND cấp huyện. Cụ thể: Vốn đầu tư công ngân sách tỉnh quản lý 1.608 tỷ đồng; vốn đầu tư công ngân sách huyện, xã quản lý 1.204 tỷ đồng; vốn đầu tư công từ nguồn thu hợp pháp 2 tỷ đồng.

Báo cáo tại nhiều cuộc họp của UBND tỉnh Bắc Ninh cho thấy, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thấp do nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan, trong đó có sự thiếu chủ động phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án; năng lực của một số nhà thầu thi công còn thấp…

Mỗi đơn vị, địa phương cần tăng tốc hơn nữa

Trước thực tế đang tồn tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh đề nghị các đơn vị, chủ đầu tư, địa phương tích cực đưa ra các giải pháp, phấn đấu cuối năm nay giải ngân tối thiểu 7.070 tỷ đồng; đồng thời, đề nghị xây dựng, cam kết giải ngân theo tuần, theo tháng làm thước đo đánh giá kết quả giải ngân. Trường hợp kết quả giải ngân định kỳ không đạt theo kế hoạch đã xây dựng và cam kết chủ đầu tư, địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh diễn ra mới đây, trên cơ sở ý kiến của các Sở, ngành chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Sở, ngành có dự án triển khai thực hiện việc kiểm soát tiến độ giải ngân hàng tuần; chỉ đạo các đơn vị nhà thầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán đối với những khối lượng đã hoàn thành, đơn vị chuyên môn sớm thẩm định hồ sơ quyết toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đến ngày 30/10, chậm nhất ngày 15/11, các địa phương linh hoạt trong việc nhận định tình hình giải ngân của từng dự án để đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn đến các dự án thực sự có khả năng giải ngân. Đơn vị, địa phương nào không hoàn thành giải ngân theo kế hoạch sẽ không được bình xét thi đua khen thưởng trong năm 2024.

Ghi nhận của phóng viên, sau hàng loạt giải pháp mạnh, tình hình giải ngân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có tín hiệu tích cực. Báo cáo của sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, tính riêng từ ngày 14 - 21/10, toàn tỉnh đã giải ngân được khoảng 51 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng thêm gần 0,6% so với kế hoạch vốn Chính phủ giao. Trong đó vốn đầu tư công ngân sách tỉnh quản lý 24 tỷ đồng; vốn đầu tư công ngân sách huyện, xã quản lý 27 tỷ đồng.

Giải pháp Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Ninh đưa ra những tháng còn lại của năm 2024 là: Đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, thanh toán, giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã phân bổ năm 2024, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, công trình, dự án trọng điểm: Dự án đường Vành đai 4, cầu Kênh Vàng, các dự án thuộc thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ hỗ trợ vốn...

Chủ đầu tư nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và quyết toán dự án đã hoàn thành; xử lý dứt điểm các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành hoặc không có khả năng triển khai tiếp để quyết toán dự án. UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án cấp tỉnh trên địa bàn và các dự án thuộc địa phương mình quản lý.

Là một trong những huyện có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, để bảo đảm kế hoạch đề ra, UBND huyện Tiên Du đề nghị Huyện ủy, HĐND và lãnh đạo Ban Thường vụ phụ trách chỉ đạo các xã Tri Phương, Cảnh Hưng, Nội Duệ, Tân Chi tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các công trình dự kiến khởi công mới, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đã phân bổ trong năm.

Đối với cấp xã, thị trấn, trường hợp giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 không đạt tiến độ, huyện sẽ điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là dự án trọng điểm, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các công trình đã hoàn thành, khẩn trương lập hồ sơ thủ tục để giải ngân vốn đầu tư…

Đặc biệt, đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng, nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư và các bên liên quan dự án. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân và những hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; công khai danh sách nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán và không cho tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới…

Năm 2024, tổng vốn kế hoạch của huyện Tiên Du 187,721 tỷ đồng, kết quả giải ngân đến trung tuần tháng 10 là 76,493 tỷ đồng, đạt 40,75% kế hoạch. Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp do công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án vẫn gặp phải vướng mắc.
Thanh Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Bắc Ninh

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Quảng Ninh tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên than

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng GRDP năm 2024 dự kiến đạt 7,5-7,8%

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Dân ca Quan họ Bắc Ninh: 15 năm lan tỏa mạnh mẽ

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà

Quảng Ninh: Doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất nhờ tiết kiệm điện

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu

Quảng Ninh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp 39,4ha ở tỉnh Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?