Bắc Ninh: Chủ động tận dụng cơ hội từ EVFTA
Từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Theo đó, thuế xuất khẩu hàng trăm dòng hàng hóa sang thị trường châu Âu sẽ về mức bằng 0%. Điều này tạo ra nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng.
Để doanh nghiệp tận dụng tối đa được những lợi ích và chủ động đối mặt với những thách thức từ Hiệp định, Bắc Ninh đã chủ động triển khai kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.
EVFTA tạo ra nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng |
Theo đó, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các nội dung trong các cam kết của hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp. Kết hợp các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp hiện có như: Zalo của Tổ phản ứng nhanh ba nhất, Cổng thông tin điện tử tỉnh... để tiếp nhận, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cam kết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị năng lực để có thể tận dụng tốt nhất lợi ích từ hiệp định.
Với vai trò là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện EVFTA, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Sở Công Thương Bắc Ninh thường xuyên cập nhật thông tin về Hiệp định để đăng tải trên cổng thông tin của Sở tại địa chỉ http://sct.bacninh.gov.vn; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký tham gia các hội nghị trực tuyến về EVFTA do Bộ Công Thương và cơ quan ngang Bộ tổ chức như: Hội nghị trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA; Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA; các khóa tập huấn trực tuyến về cam kết trong EVFTA…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện EVFTA trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan thực hiện Hiệp định theo đúng lộ trình mà UBND tỉnh ban hành.
Đánh giá của tỉnh Bắc Ninh, Hiệp định EVFTA mang đến nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt mặt hàng của tỉnh vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh như sản phẩm làng nghề, dệt may, nông sản, thực phẩm chế biến… Các sản phẩm, linh kiện thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho các ngành thế mạnh của tỉnh như: điện - điện tử, cơ khí chế tạo, công nghệ cao.
Số liệu ước tính trong giai đoạn 2015-2019, đối với doanh nghiệp tại Bắc Ninh, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt từ 3 - 5 tỷ USD, chiếm từ 9-11% tổng kim ngạnh xuất khẩu toàn tỉnh. Các mặt hàng chủ yếu là điện thoại, thiết bị điện tử, dệt may, nông sản...
Tuy nhiên, qua thực tế cũng cho thấy, EVFTA đặt ra không ít thách thức, nhất là yêu cầu về phi thuế quan, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc với nông sản hay những quy tắc xuất xứ với sản phẩm dệt may, da giày… phải được tuân thủ nghiêm ngặt.
Trong khi đó, năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh hiện vẫn còn những hạn chế; tỷ lệ doanh nghiệp biết đến các cơ hội của hiệp định thấp… Như vậy khi hiệp định có hiệu lực, thị trường được rộng mở, nếu không nắm chắc được “luật chơi” doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong sản xuất đơn hàng.
Trước thực tế này, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ thiết lập đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến EVFTA. Tuyên truyền và xuất bản các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu và nghiên cứu về Hiệp định, tập trung vào lĩnh vực mà tỉnh quan tâm.
Tăng cường cung cấp thông tin về các yêu cầu kỹ thuật, quy định, thực tiễn về quản lý xuất, nhập khẩu hàng hoá và phòng vệ thương mại của các nước EU cho các doanh nghiệp. Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho các mặt hàng thế mạnh có khả năng xuất khẩu sang các nước EU.
Tổ chức trao đổi, diễn đàn xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong tỉnh, trên phạm vi cả nước và nước ngoài để hình thành phát triển chuỗi cung ứng, trao đổi công nghệ, kinh nghiệm tiếp cận thị trường EU…
Hiệp định EVFTA mang đến nhiều cơ hội đối với doanh nghiệp, đặc biệt thuộc ngành thế mạnh của Bắc Ninh như điện - điện tử, cơ khí chế tạo, công nghệ cao |
Theo ông Phạm Khắc Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh: Để chinh phục được thị trường này, doanh nghiệp cần khẳng định nguyên liệu, xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, kể cả về cạnh tranh với các nước khác; tuân thủ các hàng rào kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong ngành kỹ thuật - công nghệ, luật, tài chính; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh, chuyên nghiệp hóa quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu…
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần nâng cao khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp trong nước với các nước khác để tạo thành chuỗi cung ứng tốt, có kế hoạch sản xuất lâu dài, tích ứng được với hội nhập… mới có thể tận dụng được lợi thế mà EVFTA mang lại.
Giới chuyên gia khuyến cáo đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh: Cần chủ động tìm hiểu, tham gia khóa đào tạo, tập huấn để nắm bắt thông tin, tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nói chung và EVFTA nói riêng để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. |