Thứ hai 25/11/2024 10:10

Bạc Liêu: Chắp cánh cho hạt muối vươn xa

“Vựa muối” Bạc Liêu đang nỗ lực ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị hạt muối và tìm hướng đi bền vững cho diêm dân.

Bạc Liêu, vùng đất được mệnh danh là "vựa muối" của cả nước, từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm muối truyền thống. Nơi đây sở hữu bờ biển dài, bờ cát trắng mịn cùng nguồn nước biển mặn dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất muối chất lượng cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành muối Bạc Liêu phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Giá cả bấp bênh, cơ sở hạ tầng chưa tổng thể, diện tích canh tác muối giảm,…

Nhằm giải quyết những khó khăn của ngành muối, Bạc Liêu đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đưa hạt muối vươn xa, cải thiện đời sống cho diêm dân.

Bạc Liêu xác định muối là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Đổi mới tư duy sản xuất

Một trong những giải pháp quan trọng được Bạc Liêu chú trọng là đổi mới tư duy trong sản xuất muối. Thay vì sản xuất theo phương pháp truyền thống, manh mún, Bạc Liêu đang hướng đến ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Bạc Liêu đã đầu tư vào các hệ thống tưới nước tự động, sử dụng bạt lót chống thấm cho ruộng muối, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Song song với việc đổi mới kỹ thuật, Bạc Liêu cũng chú trọng nâng cao trình độ diêm dân thông qua các chương trình tập huấn, hội thảo về khoa học kỹ thuật, quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường. Thay vì sản xuất theo phương pháp truyền thống, Bạc Liêu đang khuyến khích diêm dân chuyển đổi sang các mô hình sản xuất mới như: Mô hình sản xuất muối tập trung, mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch sinh thái, mô hình sản xuất muối hữu cơ.

Đại diện đoàn doanh nghiệp Singarore đưa ra nhiều đề xuất phát triển nghề muối tại Bạc Liêu.

Mới đây, trong buổi đoàn doanh nghiệp Singapore đến thăm và làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu, Công ty TNHH Thực phẩm Agri Việt cho biết, hiện doanh nghiệp đặt mục tiêu khơi dậy tiềm năng ngành muối bằng cách kết hợp truyền thống làm muối lâu đời của Bạc Liêu với những công nghệ tiên tiến ứng dụng cho nông nghiệp theo khuôn khổ Kinh tế xanh ASEAN (ASEAN Blue Economy). Không chỉ nâng cao hiệu suất sản xuất mà còn gìn giữ di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển bền vững.

Công ty đang thực hiện các ý tưởng sản xuất muối thân thiện với môi trường như sử dụng ao bay hơi năng lượng mặt trời, hệ thống quản lý nước nâng cao, bảo tồn đa dạng sinh học tại điểm sản xuất muối... Hiện doanh nghiệp cũng đang xây dựng chiến lược sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch vừa phát triển kinh tế - xã hội địa phương vừa bảo tồn văn hoá và môi trường sống.

Tại buổi làm việc, đoàn doanh nghiệp Singapore đã giới thiệu cho các đại biểu những sản phẩm tinh chế từ muối được sử dụng trong lĩnh vực y tế, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe… với mức giá khoảng 1,8 triệu đồng/kg. Trong khi giá muối hiện nay của diêm dân bán tại ruộng chỉ từ 1.000 - 1.200 đồng/kg. Qua đây cho thấy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực chế biến, sản xuất muối chuyên sâu sẽ giúp nâng cao giá trị hạt muối lên rất nhiều lần.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tại buổi làm việc: “Con tôm, cây lúa, hạt muối sẽ là một trong những định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Việc doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh các mặt hàng muối, thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ là cơ hội để Bạc Liêu phát triển lợi thế về kinh tế biển mà trọng tâm là nâng cao giá trị hạt muối, giúp diêm dân trong tỉnh tăng thu nhập, giúp tỉnh bảo vệ và duy trì nghề muối. Bạc Liêu sẽ ủng hộ quyết liệt và tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”.

Qua đó cho thấy, Bạc Liêu vạch định hướng phát triển ngành muối bền vững, đưa muối trở thành mặt hàng nông sản chủ lực bên cạnh con tôm và cây lúa; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối.

“Nâng cấp” đồng muối

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, Bạc Liêu đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai Dự án Thi công xây dựng cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối (gọi tắt là Dự án) tại 2 huyện Đông Hải và Hòa Bình - những địa phương có thế mạnh và vẫn còn giữ được nghề truyền thống sản xuất muối. Mục tiêu dự án nhằm cải tạo, xây dựng mới hơn 15 km đường giao thông và thay mới 4 cây cầu, phục vụ cho diện tích sản xuất muối hơn 1.300 ha tại 2 xã Điền Hải và Long Điền Đông (huyện Đông Hải).

Cánh đồng muối ở huyện Đông Hải.

Theo đó, đầu tư xây dựng dự án thành phần số 7 gồm các hạng mục: Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, thuộc Dự án Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt. Trong đó có 4 dự án gồm: Dự án Nâng cấp hạ tầng cánh đồng muối, các hộ dân nằm trong dự án sẽ được đầu tư điện, nâng cấp lộ, nạo vét thủy lợi; Dự án Nâng cao hiệu quả và chất lượng muối, giúp diêm dân ứng dụng công nghệ để tăng năng suất muối.

Dự án góp phần giúp cho việc sản xuất, vận chuyển muối được thuận tiện hơn, giảm chi phí sản xuât, nâng cao chất lượng hạt muối, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến muối và phát triển du lịch. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để hạt muối xứ biển Bạc Liêu trở mình, vươn xa.

Muối Bạc Liêu hiện có 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu. Trong đó, có 7 sản phẩm muối của Công ty cổ phần Muối và thương mại Bạc Liêu đạt chuẩn OCOP 4 sao; 3 sản phẩm muối đạt chuẩn OCOP còn lại của Công ty cổ phần Muối Đông Hải.

Đây là minh chứng cho sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân Bạc Liêu trong phát triển ngành muối, khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm muối, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Ngân Nga
Bài viết cùng chủ đề: nghề làm muối

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Quảng Ninh tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên than

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng GRDP năm 2024 dự kiến đạt 7,5-7,8%

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Dân ca Quan họ Bắc Ninh: 15 năm lan tỏa mạnh mẽ

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà

Quảng Ninh: Doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất nhờ tiết kiệm điện

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu

Quảng Ninh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp 39,4ha ở tỉnh Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?

Triển lãm tranh, ảnh, tư liệu tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa tại Thanh Hóa

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh

Sắp diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Cần Thơ năm 2024

Tham vấn ý kiến dự thảo Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng