Lịch sử hình thành, sáp nhập tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau
Cà Mau và Bạc Liêu là 2 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí địa lý quan trọng và tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ. Dù từng được sáp nhập và chia tách nhiều lần, nhưng 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu có bề dày lịch sử và văn hoá gắn bó mật thiết với nhau.
Cà Mau, Bạc Liêu thuở khai hoang
Năm 1680, Mạc Cửu, một di thần nhà Minh (Trung Quốc), đã đến vùng Mang Khảm, chiêu tập lưu dân tại các khu vực Mang Khảm, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên, Luống Cày, Hưng Úc, Cần Bột, lập nên những thôn xóm đầu tiên tại tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay.
Năm 1708, Mạc Cửu quy phục chúa Nguyễn Phúc Chu, dâng vùng Mang Khảm lên chúa Nguyễn. Đáp lại, chúa Nguyễn đặt tên khu vực này là trấn Hà Tiên và phong Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên với tước Cửu Ngọc Hầu.
Bản đồ 6 tỉnh miền Nam vào năm 1838. Nguồn ảnh: An Nam đại quốc họa đồ |
Đến năm 1832, vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính lớn, chia vùng Nam Bộ thành 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, trong đó vùng đất Bạc Liêu thuộc tỉnh An Giang, và vùng đất Cà Mau thuộc tỉnh Hà Tiên.
Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, 6 tỉnh Nam Bộ đã được chia thành 20 khu vào năm 1877. Đến năm 1882, Pháp cắt 3 tổng: Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Thuỷ của đại lý Cà Mau thuộc địa hạt Rạch Giá và hai tổng Thạnh Hoà, Thạnh Hưng của đại lý Châu Thành thuộc địa hạt Sóc Trăng để thành lập địa hạt Bạc Liêu.
Tỉnh Minh Hải được ra đời
Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, vào tháng 2/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Nghị định hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam.
Theo đó, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã được hợp nhất thành tỉnh Minh Hải với 2 thị xã là Minh Hải, Cà Mau và 7 huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Châu Thành, Thới Bình, Trần Văn Thời và Ngọc Hiển.
Đến ngày 11/7/1977, Hội đồng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 181-CP giải thể huyện Châu Thành và sát nhập các xã thuộc huyện Châu Thành vào các huyện Giá Rai, Trần Văn Thời và Thới Bình.
Ngày 29/12/1978, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 326-CP lập thêm 6 huyện mới là Phước Long, Cà Mau, U Minh, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn. Đến ngày 30/8/1983, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 94-HĐBT giải thể huyện Cà Mau, các xã của huyện này được sáp nhập vào thị xã Cà Mau và các huyện Giá Rai, Thới Bình, Cái Nước.
Ngày 17/5/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 75-HĐBT đổi tên thị xã Minh Hải thành thị xã Bạc Liêu. Nghị định cũng hợp nhất huyện Hồng Dân và huyện Phước Long lấy tên là huyện Hồng Dân và hợp nhất huyện Cái Nước và huyện Phú Tân thành huyện Cái Nước.
Ngày 17 - 18/12/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định chuyển tỉnh lỵ Minh Hải từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau. Tính đến thời điểm này, tỉnh Minh Hải có 2 thị xã là Cà Mau, Bạc Liêu và 9 huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển.
Trung tâm thành phố Cà Mau ngày nay. Nguồn ảnh: camau.gov.vn |
Ngày 6/11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Minh Hải ra làm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, thực hiện từ ngày 1/1/1997.
Sau khi tách rời, thị xã Cà Mau được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 1999. Năm 2003, Chính phủ ban hành nghị định thành lập hai huyện mới tại tỉnh Cà Mau là Năm Căn và Phú Tân trên cơ sở điều chỉnh địa giới từ huyện Ngọc Hiển và Cái Nước. Nhờ đó, đến nay, tỉnh Cà Mau có 1 thành phố và 8 huyện.
Tỉnh Bạc Liêu sau khi tách khỏi Minh Hải cũng trải qua nhiều đợt điều chỉnh địa giới hành chính. Năm 2000, huyện Phước Long được tái lập từ một phần huyện Hồng Dân. Năm 2001, huyện Đông Hải được thành lập từ một phần huyện Giá Rai.
Đến năm 2005, huyện Hòa Bình được thành lập từ một phần huyện Vĩnh Lợi. Ngày 27 tháng 8 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP về việc thành lập thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu. Với những thay đổi này, tỉnh Bạc Liêu hiện có 6 huyện và 1 thành phố.
Theo một số giai thoại, tên gọi "Minh Hải" là ghép của 2 từ: Từ "Minh" của "U Minh", vì Cà Mau có rừng U Minh Hạ, và từ "Hải" do Cà Mau - Bạc Liêu có 3 phía là biển. Tên gọi này còn ý nghĩa là biển sáng. |