Bạc Liêu: Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc chơi hụi
Liên tiếp những vụ vỡ hụi
Ngày 8/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị này vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bà Võ Thị Diệu (50 tuổi, ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an tỉnh Bạc Liêu tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với bị can Võ Thị Diệu. |
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, năm 2012, bà Diệu bắt đầu làm chủ hụi, thu hút đông đảo người dân ở địa phương tham gia. Sau đó, do mất cân đối tài chính không còn khả năng chi trả tiền hụi, bà Diệu đã mở nhiều dây hụi mới rồi mạo danh hụi viên hốt hụi, lấy tên khống chơi hụi nhằm chiếm đoạt tiền.
Ngoài ra, bà Diệu còn lấy tên khống của nhiều người dân để tham gia nhiều dây hụi ngày, hụi tuần, hụi tháng để hốt hụi, chiếm đoạt tiền của hụi viên. Đến tháng 5/2022, không còn khả năng chi trả cho 20 dây hụi, bà Diệu tuyên bố vỡ hụi, qua đó chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng của hụi viên.
Trước đó, ngày 5/4/2024, Công an tỉnh Bạc Liêu đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Phan Hồng Thắm (sinh năm 1956, ngụ ấp Mỹ 2, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) để điều tra, xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bà Thắm chiếm đoạt của 60 hụi viên tại 42 dây hụi, với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. |
Theo điều tra của cơ quan công an, vào năm 2014, Phan Hồng Thắm bắt đầu làm chủ hụi, thu hút đông đảo người dân ở địa phương tham gia.
Thời gian đầu, bà Thắm chung tiền hụi đầy đủ nên tạo được lòng tin. Tuy nhiên sau đó, do mất cân đối tài chính không còn khả năng chi trả nên bà Thắm đã có hành vi gian dối mở hàng chục dây hụi mới, rồi mạo danh hụi viên hốt hụi nhằm chiếm đoạt.
Đến tháng 3/2023, bà Thắm tuyên bố vỡ hụi. Qua đó, chiếm đoạt của 60 hụi viên tại 42 dây hụi, với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, rồi bỏ trốn khỏi địa phương.
Ngày 21/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phan Hồng Thắm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Những điều cần biết về chơi hụi
Từ thực tế các vụ vỡ hụi cho thấy, các chủ hụi thường tạo dựng lòng tin với các hụi viên bằng việc chi trả sòng phẳng tiền hụi trong thời gian ban đầu. Sau đó mở nhiều đường dây hụi mới, mạo danh hụi viên và chiếm đoạt tài sản.
Mặc dù các hụi viên dù lo lắng việc chơi hụi sẽ có rủi ro, nhưng từ lợi ích huy động vốn nhanh và lãi suất khá hấp hẫn nên nhiều người đã bất chấp đầu tư số tiền lớn vào việc chơi hụi. Để rồi vỡ hụi xảy ra thì nhiều người rơi vào cảnh trắng tay, thậm chí nợ nần.
Người dân phải tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật và thận trọng khi lựa chọn hình thức chơi hụi. |
Liên quan đến hình thức chơi hụi, Luật sư Trần Khánh Ly - Giám đốc công ty Luật TNHH Law cho biết, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có các văn bản pháp luật cụ thể điểu chỉnh về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi tắt là hụi); điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút khỏi hụi; văn bản thỏa thuận về hụi; thứ tự lĩnh hụi, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi. Cụ thể những điều này được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự và Nghị định 19/2019 của Chính Phủ.
Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 19/2019 quy định về nguyên tắc tổ chức hụi như sau: Việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự; việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi; không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Điều kiện để làm chủ hụi (họ) hoặc trở thành thành viên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây hụi thì chủ hụi là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác; các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.
Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây hụi, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý; hoặc các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.
"Về lãi suất, cũng theo quy định tại Nghị định 19/2019 của Chính phủ thì lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.
Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó". Luật sư Ly chia sẻ thêm.
Trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Giám đốc công ty Luật TNHH Law khẳng định: "Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi".