Lịch sử hình thành, sáp nhập tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau Bạc Liêu: Cận cảnh dự án khách sạn 5 sao bị bỏ hoang trên khu ‘đất vàng’ Bạc Liêu: Bãi rác quá tải, dân mòn mỏi chờ nhà máy |
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, trong quý đầu năm, các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc phát triển, tích cực triển khai nhiều giải pháp kích cầu, mở rộng thị trường, tạo ra không khí giao thương sôi động và nguồn cung hàng hóa dồi dào phục vụ người tiêu dùng.
![]() |
Khách hàng mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu. Ảnh: K.T |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 3 ước đạt 8.252,8 tỷ đồng, lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 22.338,67 tỷ đồng, hoàn thành 25,53% kế hoạch năm và tăng 17,26% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy sức tiêu dùng nội địa tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, trong bối cảnh thị trường hàng hóa được điều tiết ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hay tăng giá bất hợp lý.
Ngành Công Thương tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch cung ứng, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thương mại phân phối hàng hóa sâu rộng đến các vùng nông thôn, khu vực xa trung tâm. Nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, phiên chợ hàng Việt được tổ chức định kỳ nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa, quảng bá sản phẩm OCOP và các đặc sản địa phương.
Cùng với đó, hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng và hiện đại hóa. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phát triển các loại hình kinh doanh mới như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại quy mô nhỏ. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong thương mại, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội và dịch vụ giao hàng nhanh để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách linh hoạt và hiệu quả.
Việc phát triển các kênh bán hàng trực tuyến không chỉ tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa thuận lợi mà còn mở rộng không gian thị trường cho hàng hóa địa phương, nhất là sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu.
Hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt. Nhờ đó, tình hình giá cả hàng hóa trên địa bàn được giữ ổn định, quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ, tạo niềm tin cho thị trường.
Song song với thương mại nội địa, hoạt động xuất khẩu của tỉnh cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I/2025 đạt 223,14 triệu USD, tăng 8,29% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy sản tiếp tục là nhóm hàng chủ lực với sản lượng xuất khẩu 21.487 tấn, riêng tôm đông lạnh đạt 20.891 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các mặt hàng như muối (151,8 tấn, tăng 58%), nông sản (1.030 tấn) và may mặc (2,1 triệu sản phẩm) cũng đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu.
Trong thời gian tới, Bạc Liêu tiếp tục định hướng phát triển thương mại theo hướng bền vững, hiện đại, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ địa phương, phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đặc sản, nông sản thế mạnh. |