Bác Hồ đặt niềm tin, doanh nhân mở lòng xây dựng đất nước
Bác Hồ gắn bó với doanh nhân
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, không chỉ là người có tư tưởng kinh tế hiện đại, Bác Hồ còn rất gắn bó với doanh nhân. Cụ thể: Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, Bác Hồ đã chọn ở nhà một doanh nhân hay nói đúng hơn là một nhà tư sản dân tộc nổi tiếng lúc bấy giờ là ông bà Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ (số 48 Hàng Ngang, Hà Nội) và hoàn thành bản “Tuyên ngôn độc lập” tại đây. Bên cạnh đó, Bác rất xem trọng doanh nhân trong nước, coi đây là chỗ dựa vững chắc trong công cuộc xây dựng đất nước. Những vị khách đầu tiên, giới đầu tiên Bác mời gặp trên cương vị Chủ tịch nước chính là doanh nhân, các nhà tư sản dân tộc. Trước cử chỉ chân thành của Bác, doanh nhân Việt Nam thời điểm đó dù chưa lớn mạnh như các giới chủ nước ngoài nhưng đã mở lòng với Bác, với đất nước… Họ đã không hề nghĩ đến bản thân, tích cực đóng góp của cải, vật chất vào ngân sách của nhà nước non trẻ lúc bấy giờ. Riêng doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đã đóng góp 5.000 lượng vàng. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm: Nếu số vàng đó gửi vào ngân hàng lấy lãi, bây giờ trị giá đã khoảng… 7 tỷ USD.
Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác. |
Tư tưởng hội nhập của Bác cũng có từ rất sớm. Trong bản “Tuyên ngôn độc lập” đọc tại Quảng trường Ba Đình, những câu đầu tiên của Bác là trích từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. “Bác hội nhập như thế, Bác chấp nhận những giá trị của phương Tây, luật pháp của phương Tây vào luật pháp Việt Nam. Bác là người đầu tiên hội nhập ở Việt Nam!”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Kinh tế mạnh phải dựa vào doanh nghiệp, doanh nhân
Nền kinh tế thị trường nước ta không phải mới hình thành mà đã được định hướng từ lâu, ngay từ khi Đảng ta ra đời. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề khác nhau nên tư tưởng cơ chế thị trường được định nghĩa lại. Do đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Để cơ chế thị trường phát triển đúng hướng, phát triển mạnh mẽ rất cần sự đột phá.
Đột phá về cải cách thể chế kinh tế chính là làm rõ trách nhiệm của Chính phủ và của cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Lộc, Việt Nam không được làm khác quy luật kinh tế thị trường, nhất là bây giờ chúng ta đã gia nhập các hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Việt Nam không thể tự đặt ra những nguyên lý của kinh tế thị trường mà phải tuân thủ nguyên tắc vốn có.
Trả lời câu hỏi của doanh nhân về vai trò của nhà nước và doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Phải phân định thật rõ vai trò của nhà nước với doanh nghiệp. Ở đó, nhà nước kiến tạo, làm thể chế, xây dựng sân chơi, tạo luật chơi, làm trọng tài, còn việc làm ăn là việc của người dân và doanh nghiệp. “Đổi mới kinh tế ở Việt Nam là trở lại với tư tưởng của Bác Hồ” như bức thư gửi cho giới Công Thương 13/10/1945. Bác viết: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công Thương trong cuộc kiến thiết này”. Như vậy, Bác đã nói rõ vai trò của Chính phủ là kiến tạo chứ không làm kinh doanh. Đất nước có giàu mạnh, nền kinh tế có thịnh vượng hay không là trách nhiệm của các doanh nhân, nhà công thương nghiệp chứ không phải nhà nước.
Một thời, tư tưởng kinh tế của người Việt Nam “sính ngoại”, từ cây kim sợi chỉ đến những hàng hóa có giá trị lớn phải hàng ngoại mới sang, xịn, bây giờ quay về giá trị cốt lõi là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, trong những bài viết từ năm 1947, Bác đã đề cao hàng Việt: “Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên ai cũng muốn dùng hàng do ta sản xuất. Nhưng người sản xuất phải làm hàng tốt và rẻ. Người sản xuất phải giữ chữ tín, phải thật thà, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu. Những người sản xuất phải tập trung lại thì mới có thể sản xuất được nhiều, tốt, không lãng phí tài năng và thời gian…”. Ở những bài viết sau đó, Bác Hồ cũng định hướng rất rõ cho doanh nghiệp là phải nâng cao năng suất, sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ; phải thực hành tiết kiệm, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật; phải đề cao kỷ luật, phải quản lý sức người, sức của một cách chặt chẽ, tiết kiệm; phải chăm lo đời sống người lao động, đặc biệt là lao động nữ…
Diện mạo của kinh tế Việt Nam ngày càng khởi sắc |
Cơ hội và thách thức trong hội nhập
Trong bài nói chuyện về “Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hội nhập quốc tế”, trước hàng trăm doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho biết, năm 2015 vô cùng đặc biệt đối với Việt Nam. Ngoài việc kỷ niệm 20 năm Việt Nam thiết lập quan hệ với rất nhiều đối tác lớn trên thế giới như Mỹ, EU, ASEAN… đây cũng là năm đánh dấu cột mốc mới sự phát triển quan hệ của Việt Nam với nhiều nước
Bà Phạm Chi Lan tự hào: “Một nước Việt Nam quy mô nền kinh tế còn tương đối nhỏ trong khu vực cũng như trên toàn cầu lại có quan hệ thương mại tự do với 57 nước khác nhau, trong đó có cả các cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới, thì thực sự là một điều kỳ diệu mà không phải nước đang phát triển nào cũng có được.
Đáng kể hơn, theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam đã biến các đối thủ trở thành đối tác, thậm chí là đối tác tin cậy, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.
Dù vậy, theo bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp Việt Nam không nên quá “thăng hoa” mà cần phải tỉnh táo trước mọi thị trường. Doanh nhân Việt Nam cần lưu ý đến những nhân tố quyết định thành công trong môi trường toàn cầu hiện nay. Quan trọng nhất, đó là khả năng ứng phó. Theo đó, các quốc gia phải có khả năng xác định được, chống đỡ được với những cú sốc xảy ra và làm sao phục hồi được nhanh chóng sau cú sốc. Nhân tố thứ hai, dựa trên sự đa dạng hóa. Nếu cứ loay hoay bám giữ những cái đã có lâu nay thì không thể thành công... Thứ ba, sự linh hoạt và khả năng thích ứng của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia đều phải có các doanh nghiệp nhỏ và vừa năng động, có khả năng thích ứng đối với những cái mới, những sự thay đổi. Đồng thời cần có sự hỗ trợ từ trên xuống là cơ chế, chính sách.