Nghề làm tranh làng Sình
CôngThương - Ông Nguyễn Lương Bảy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế) cho biết, năm 2011, tổng kinh phí hoạt động khuyến công của tỉnh là 2.176 triệu đồng (bằng 147,6% năm 2010), trong đó, nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động khuyến công là 1.296 triệu đồng (bằng 129,5% năm 2010) và nguồn kinh phí khuyến công quốc gia phân bổ cho các đề án triển khai trên địa bàn là 880 triệu đồng (bằng 185,7% năm 2010).
7 tháng đầu năm 2011, đã có 28 đề án và nội dung được thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện với tổng kinh phí 2.088,5 triệu đồng, đạt 96%, với các nội dung như: chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho lao động nông thôn; chương trình nâng cao năng lực quản lý; chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; chương trình phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin...
Đặc biệt, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề và phát triển nghề rất hiệu quả. Năm 2011, đã có 14 đề án đào tạo nghề của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh được phê duyệt và triển khai thực hiện với tổng kinh phí là 4.187,867 triệu đồng, trong đó kinh phí được hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương là 1.153,8 triệu đồng, kinh phí từ đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn (trung bình 1 đồng vốn khuyến công hỗ trợ đào tạo huy động được 4 đồng vốn đối ứng từ doanh nghiệp, phục vụ công tác đào tạo nghề); đã tạo điều kiện cho các cơ sở chiêu sinh và tổ chức đào tạo nghề cho 1.410 lao động nông thôn với các ngành nghề: may công nghiệp, sản xuất sợi, mây tre đan, mộc mỹ nghệ, nón lá, chế biến nông sản thực phẩm,... Do các đề án đều gắn với đầu tư phát triển sản xuất của cơ sở, nên lao động sau đào tạo đều được các cơ sở tuyển dụng.
Ngoài ra, hoạt động khuyến công đã thực hiện hỗ trợ 3 đề án nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, với tổng kinh phí thực hiện là 7.006 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ là 299 triệu đồng, kinh phí đầu tư từ các doanh nghiệp là 6.707 triệu đồng.
Qua đó, nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả cao, như mô hình chế biến xay xát gạo bằng công nghệ mới của HTX nông nghiệp Thủy Thanh II, thị xã Hương Thủy, góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị lúa nguyên liệu cho bà con nông dân, giúp HTX phát triển theo hướng bền vững. Hay mô hình ứng dụng công nghệ máy đùn ép củi trấu của Cơ sở sản xuất rượu Tây Phú (Phong Bình, Phong Điền) đã tận thu các phế phẩm trong sản xuất và chế biến nông sản (trấu, rơm rạ,...) để vừa sản xuất chất đốt mới vừa hạn chế nguồn phế thải gây ô nhiễm môi trường.
Mô hình sản xuất sản phẩm mới giấy vệ sinh, giấy ăn và khăn giấy các loại của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Tổng hợp Phụng Phát (cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Tứ Hạ, Hương Trà), tổng mức đầu tư của đề án 6.249 triệu đồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng năng lực sản xuất, cạnh tranh của công ty và giải quyết một lượng lớn lao động có việc làm và thu nhập ổn định… Với những hoạt đông hiệu quả trên, khuyến công Thừa Thiên - Huế xứng đàng là “Bà đỡ” của các làng nghề.