ASEAN cần tự chủ, đa dạng chuỗi cung ứng để thúc đẩy thương mại bền vững
Chiều 17/11, tại thành phố Đà Nẵng, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao tổ chức với chủ đề “Biển hoà bình – Phục hồi bền vững” đã bế mạc.
Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 khẳng định Biển Đông ngày càng trở thành mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới |
Qua 2 ngày làm việc gồm 1 phiên dẫn, 8 phiên chuyên đề, các đại biểu đã thảo luận về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, các diễn biến gần đây ở Biển Đông, về giá trị của UNCLOS và DOC và yêu cầu đặt ra với hợp tác nhằm đảm bảo an ninh biển từ sự phát triển khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển biển hoà bình, bền vững.
Đánh giá về tình hình Biển Đông và khu vực, nhiều diễn giả khẳng định khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng ngày càng trở thành mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Ấn Độ… hay các tổ chức như Liên minh Châu Âu đều chủ động đưa ra các chiến lược riêng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khẳng định cam kết ngày càng tăng cường can dự tại khu vực.
Thảo luận về xu hướng liên kết tiểu đa phương và đa phương, trong đó gồm các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, các học giả cho rằng ngày càng xuất hiện nhiều cơ chế hợp tác giữa các nhóm nhỏ các nước. Tuy nhiên, các học giả chưa thống nhất về tác động của các cơ chế hợp tác tiểu đa phương đối với vai trò trung tâm của ASEAN.
Nhiều đại biểu cho rằng các nước cần phát triển cơ chế “trấn an” và “bảo đảm” lẫn nhau, triển khai các hợp tác tiểu đa phương một cách cởi mở, minh bạch và bao trùm; tăng cường đối thoại giữa ASEAN với các nước đối thoại, tôn trọng nguyên tắc và bai trò trung tâm của ASEAN trong kiến trúc khu vực và hợp tác phát triển khu vực và tiểu vùng, cộng hưởng các chiến lược phát triển để bổ sung cho nhau chứ không mang tính loại trừ lẫn nhau.
Đánh giá về giá trị của Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), nhiều học giả đánh giá rằng DOC là thành tựu quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, cho thấy các bên có thể hợp tác để tìm kiếm tương đồng vì mục đích chung dù vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt. Việc đạt được tuyên bố DOC có ý nghĩa khởi đầu cho những nỗ lực chung thúc đẩy hợp tác tại khu vực, là cơ sở cho quá trình tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai.
Liên quan đến phục hồi kinh tế và thúc đẩy thương mại bền vững, theo các đại biểu, các biến động lớn trên thế giới trong những năm qua như cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraina, đã có tác động sâu rộng tới kinh tế toàn cầu trong nhiều lĩnh vực cụ thể như vận tải đường biển và chuỗi cung ứng bán dẫn. Để vượt qua các thách thức này, các đại biểu cho rằng các quốc gia và khu vực cần tăng cường tự chủ và độc lập, đa dạng chuỗi cung ứng, tăng cường dịch vụ cảng biển, vận tải biển, mở rộng hợp tác để giảm thiểu tác động của sự gián đoạn nguồn cung vật liệu thô, bán dẫn, các khoáng chất quan trọng và công nghệ xanh và sạch.
Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về các giải pháp để thúc đẩy hợp tác và phục hồi bền vững, trong đó đánh giá cao tầm quan trọng kinh tế xanh/ kinh tế biển trong thúc đẩy sáng tạo, sử dụng tốt các nguồn tài nguyên, đối phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của nhiều quốc gia, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Phát biểu bế mạc Hội thảo, bà Phạm Lan Dung - Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, qua các phiên thảo luận, các đại biểu đều thống nhất Biển Đông không phải là vùng biển đóng kín mà đóng vai trò trung tâm, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Đông đang đối mặt với nhiều biến chuyển và nhiều thách thức từ tình hình chung của thế giới và khu vực. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy được những tín hiệu tích cực và tiếp thu các ý tưởng, đề xuất có giá trị để đối phó với những khó khăn thách thức. Trong thời gian tới, cộng đồng khu vực và quốc tế cần tiếp tục cam kết với luật pháp quốc tế và việc đảm bảo thượng tôn pháp luật, tin tưởng vào các kênh hợp tác đa phương, linh hoạt, sáng tạo trong các cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực và không gian khác nhau để xây dựng Biển Đông thành một vùng biển hoà bình, giúp các quốc gia tập trung phục hồi bền vững.