Thứ năm 28/11/2024 19:05

APEC 2023: Việt Nam đề xuất 3 ưu tiên hợp tác APEC

Ngày 14/11, tại San Francisco, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 34.

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 34 (AMM 34) do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đồng chủ trì, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các tổ chức quan sát viên là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Phó Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) với tư cách khách mời. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Lãnh đạo Bộ Công Thương đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

AMM 34 đã tập trung đánh giá tình hình hợp tác APEC năm 2023, đặc biệt tiến độ triển khai các mục tiêu và kế hoạch hợp tác được thông qua tại Tầm nhìn APEC Putrajaya đến năm 2040. Hội nghị cũng thảo luận các biện pháp hướng đến hai mục tiêu quan trọng của APEC là tăng trưởng bền vững, bao trùm và xây dựng khu vực tự cường và kết nối.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất ba ưu tiên hợp tác tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC - Ảnh: BNG

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao kết quả hợp tác APEC năm 2023. Nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao sức cạnh tranh và tính tự cường của các nền kinh tế, ứng phó với thách thức về biến đổi khí hậu và suy giảm tăng trưởng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất ba ưu tiên hợp tác APEC gồm:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Các thành viên APEC cần đẩy nhanh những chương trình hợp tác về thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, mô hình kinh tế xanh - sinh học - tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi năng lượng công bằng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Thứ hai, tận dụng tiến bộ của khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng bền vững và bao trùm. Hợp tác APEC phải hướng đến việc hỗ trợ các nền kinh tế xây dựng kết cấu hạ tầng và lực lượng lao động số, tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, phòng chống thiên tai, y tế, giáo dục.

Thứ ba, lấy con người là trung tâm của hợp tác APEC. Các dự án và hoạt động APEC cần góp phần xây dựng hệ thống giáo dục và y tế công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế và xã hội.

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 34 (AMM 34) - Ảnh: BNG

Các Bộ trưởng APEC nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); nâng cao năng lực của các thành viên trong thực hiện các hiệp định thương mại toàn diện và chất lượng cao; nỗ lực hơn nữa giải quyết các điểm nghẽn nhằm củng cố các chuỗi cung ứng an toàn, tự cường, bền vững và mở.

Hội nghị nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, minh bạch và bao trùm; bảo đảm tăng trưởng kinh tế đem lại lợi ích cho mọi người dân; tạo điều kiện để người dân tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề và việc làm bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Với tinh thần đó, các Bộ trưởng nhất trí thông qua Các khuyến nghị về cải cách cơ cấu APEC; kêu gọi các thành viên đẩy nhanh triển khai các cam kết của APEC, nhất là Lộ trình an ninh lương thực đến năm 2030, Lộ trình về kinh tế số/kinh tế internet, Khuôn khổ và Kế hoạch hành động giảm thiểu rủi ro thiên tai, Lộ trình chống khai thác và đánh bắt cá trái phép, không khai báo; và Lộ trình về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm.

Thúc đẩy hợp tác chuyển đổi năng lượng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, gắn với bảo đảm tự cường và an ninh năng lượng khu vực là những nội dung được quan tâm cao tại hội nghị. Các Bộ trưởng nhất trí sẽ báo cáo lên các Nhà Lãnh đạo APEC về Các nguyên tắc về chuyển đổi năng lượng công bằng trong APEC. Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận nhiều nội dung quan trọng đối với khu vực và thế giới như an ninh lương thực, đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật số, chuyển đổi đám mây và Hướng dẫn về các dịch vụ hạ tầng vận tải hỗ trợ vận chuyển hàng hoá thiết yếu trong trường hợp khẩn cấp y tế.

Nhân dịp hội nghị, các Bộ trưởng đã trao giải thưởng cuộc thi của APEC về ý tưởng, ứng dụng hay về mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn – xanh.

Phát biểu của đoàn Việt Nam được các thành viên chia sẻ, đánh giá cao và được thể hiện trong các văn kiện và Tuyên bố của Hội nghị. Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 34 là hoạt động quan trọng trong Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2023, nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị các Nhà Lãnh đạo APEC lần thứ 30 sẽ diễn ra trong các ngày 16-17/11/2023.

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 14 đến ngày 17/11.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam, tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.

Hà Hương

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

TỔNG THUẬT: Toạ đàm: “Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu”

Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự

Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Vượng

Tháng 11, Bộ Quốc phòng huy động hàng chục ngàn lượt người hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí

Thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp Phần Lan tại Việt Nam

Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt chẽ việc công bố lãi suất của các tổ chức tín dụng

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Thủ hiến bang Hessen Boris Rhein

Nhiều doanh nghiệp Bulgaria muốn đầu tư vào các ngành công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Chính phủ chính thức trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường, không chắc giảm được tỷ lệ thừa cân béo phì

Phiên họp Nhóm công tác Hải quân Việt Nam - Singapore lần thứ 10

Đề xuất bỏ quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy