APEC 2023: Kiến tạo một tương lai chung tự cường, bền vững
Tuần lễ Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 sẽ diễn ra từ ngày 11-17/11/2023 tại San Francisco (Mỹ), với chủ đề "Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người".
APEC được thành lập vào ngày 6/11/1989 tại Canberra (Australia) với tư cách là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác. 12 thành viên sáng lập APEC là Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia và Malaysia.
Tháng 11/1991, APEC kết nạp thêm Trung Quốc, lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc). Tháng 11/1993, APEC có thêm Papua New Guinea, Mexico, tháng 11/1994 thêm Chile và tạm ngừng thời hạn xét kết nạp thành viên trong 3 năm.
Tháng 11/1998, Việt Nam, Nga và Peru gia nhập APEC và Diễn đàn quyết định tạm ngừng thời hạn xem xét kết nạp thành viên mới thêm 10 năm nữa để củng cố tổ chức. Như vậy, đến nay APEC có 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 39% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, đóng góp khoảng 59% GDP toàn cầu và gần 48% thương mại thế giới.
Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 14-11 tại San Francisco, bang California (Mỹ) - Ảnh: REUTERS |
Mặc dù được thành lập năm 1989, nhưng đến năm 1993, Hội nghị cấp cao APEC gồm lãnh đạo các nền kinh tế thành viên mới lần đầu diễn ra và trở thành sự kiện thường niên từ đó đến nay. Hiện 21 nền kinh tế thành viên APEC, chiếm 40% dân số thế giới và gần một nửa giao thương toàn cầu. Trong vài thập kỷ qua, APEC đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các rào cản thương mại đã giảm đáng kể kể từ khi APEC thành lập vào năm 1989: Thuế quan trung bình giảm từ 17% còn 5,3% vào năm 2018. GDP của các nền kinh tế thành viên tăng từ 19.000 tỷ USD năm 1989 lên 49.600 tỷ USD vào năm 2018 và thu nhập bình quân đầu người tăng 74%.
APEC là diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về danh mục hàng hóa môi trường, theo đó, 54 mặt hàng môi trường giảm thuế ở mức dưới 5% vào năm 2015. Hiện nay, APEC đang tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Đây là định hướng hợp tác lớn của APEC trong giai đoạn phát triển mới.
Cùng với các cơ chế hợp tác khác như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), liên kết kinh tế Đông Bắc Á... APEC đã và đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, kết hợp các hoạt động song phương tại San Francisco từ ngày 14 - 17/11. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng thông tin: "Chuyến công tác của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm hội nghị cấp cao đầu tiên của các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC diễn ra tại Mỹ vào năm 1993 và đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998".
Với chủ đề là "Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người", năm APEC 2023 tập trung vào 3 ưu tiên: Kết nối, xây dựng một khu vực tự cường và kết nối, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện; thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững; bao trùm, củng cố một tương lai bình đẳng cho mọi người dân.
Bà Phạm Thu Hằng cũng cho biết thêm, tại Tuần lễ cấp cao APEC sắp tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và khách mời; có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO summit). Đồng thời, Chủ tịch nước cũng sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, trên bình diện song phương, chuyến công tác của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển mạnh mẽ thời gian qua, với việc hai nước đã xác lập khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp Tổng thống Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Các hoạt động song phương của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Mỹ, nhằm triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden và thúc đẩy sự hỗ trợ của Mỹ về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác giữa các địa phương, giữa hai nước cũng như giao lưu nhân dân" - bà Phạm Thu Hằng nêu rõ.