Áp dụng đóng khẩn cấp van đường ống áp lực thủy điện Sông Bung 2 bằng điện thoại
Theo Công ty Thủy điện Sông Bung, đơn vị đang thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực Quản trị; Đầu tư xây dựng; Kỹ thuật sản xuất; Viễn thông và công nghệ thông tin; Truyền thông và chuyển đổi nhận thức với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chất lượng dịch vụ; năng suất lao động; năng lực quản trị theo Kế hoạch chuyển đổi số trong Tổng công ty Phát điện 2 giao để đồng hành cùng EVN và EVNGENCO2 trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.
Việc thực hiện đóng khẩn cấp van đường ống áp lực nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 thông qua điện thoại thông minh là một trong những giải pháp áp dụng chuyển đổi số nhằm góp phần vận hành nhà máy đảm bảo an toàn, ổn định, giảm thiểu thiệt hại, rủi ro trong trường hợp xảy ra sự cố gây mất an toàn cho công trình.
Phòng điều khiển trung tâm NMTĐ Sông Bung 2 |
Theo kinh nghiệm của các hãng cung cấp giải pháp điều khiển lớn trên thế giới, mức độ sẵn sàng của hầu hết các hệ thống của Nhà máy Thủy điện đều ở mức 75%-85%. Cá biệt hệ thống có mức độ sẵn sàng cao là trên 88% chủ yếu là các hệ thống mới, hoặc sau chu kỳ sửa chữa lớn. Nếu tính trung bình cao thì mức độ sẵn sàng vào khoảng 85%, như vậy khoảng trống 15% mức độ sẵn sàng này cần phải có giải pháp để nâng cao độ tin cậy vận hành, giảm thiểu rủi ro khi sự cố xảy ra. Và, ứng dụng chuyển đổi số vào việc đóng khẩn cấp Van đường ống áp lực (Van đĩa) Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sông Bung 2 từ xa bằng điện thoại di động là một trong những giải pháp nhằm bổ sung khoảng trống 15% mức độ sẵn sàng như đã nêu.
Trong thời gian vận hành từ năm 2018-2022, Nhà van NMTĐ Sông Bung 2 đã nhiều lần xảy ra hư hỏng cáp quang làm mất tín hiệu giám sát và điều khiển từ Nhà van gửi về Phòng điều khiển trung tâm nhà máy. Khi đó lực lượng Vận hành và Bảo trì của Phân xưởng vận hành phải di chuyển hơn 10km lên Nhà van để khắc phục sự cố cũng như thực hiện các thao tác theo các phương thức vận hành của Van đường ống áp lực (Van đĩa).
Tuy nhiên, việc di chuyển này không hề dễ dàng đặc biệt là trong mùa mưa bão, đường xá bị tắc do bùn đất và cây cối sạt trượt không thể đi lại được. Do đó, phải có mạch đóng khẩn cấp Van đĩa từ điện thoại di động thông qua mạng viễn thông và thiết bị thu phát sóng RF để đảm bảo an toàn công trình khi sự cố xảy ra. Khi có sự cố cần đóng khẩn cấp Van đĩa, nhân viên vận hành tại Nhà máy thực hiện nhắn tin và nhấn nút điều khiển từ xa từ thiết bị thu phát sóng RF để đóng Van đĩa mà không cần phải di chuyển lên Nhà van.
Ngoài ra, nguồn AC cấp cho thiết bị Nhà van từ Nhà máy bằng 01 sợi cáp lực mà không có nguồn dự phòng khác, khi xảy ra sự cố ở sợi cáp lực hay ATM từ hệ thống phân phối MDB của hệ thống AC Nhà máy sẽ làm mất nguồn toàn bộ Nhà van. Nguồn cấp cho Nhà van bao gồm: Nguồn lực, nguồn điều khiển, nguồn cấp cho Camera, hệ thống thông tin liên lạc, … Khi toàn bộ nguồn bị mất sẽ không thể thực hiện việc giám sát, điều khiển đóng khẩn cấp Van đĩa.
Do vậy cần thiết kế, lắp đặt bổ sung hệ để cấp cho camera, hệ thống thông tin liên lạc đặc biệt là nguồn cấp cho mạch đóng khẩn cấp Van đĩa từ nguồn năng lượng mặt trời có hệ thống Pin lưu trữ. Khi sự cố mất nguồn AC xảy ra, lúc này hệ thống camera, hệ thống thông tin liên lạc và và hệ thống điều khiển Van đĩa sẽ được cấp nguồn thông qua hệ thống Pin lưu trữ được nạp điện từ năng lượng mặt trời.
Kết quả đảm bảo đóng khẩn cấp Van đĩa mà người vận hành không cần phải di chuyển đến Nhà van để thực hiện thao tác. Đồng thời, đảm bảo cấp nguồn lực 220VAC và nguồn điều khiển cho nguồn điều khiển, nguồn cấp cho camera và hệ thống thông tin liên lạc khi mất nguồn cung cấp từ Nhà máy. Từ đó hỗ trợ công tác vận hành cũng như thực hiện thao tác đóng khẩn cấp Van đĩa Nhà van trong trường hợp xảy ra sự cố gây mất an toàn cho công trình.