Trà gừng hòa tan Cô Một - trà ngon xứ Quảng Trà hoa đậu biếc hữu cơ từ Hội An - Thức uống sạch lành từ tự nhiên |
Lạ lùng nếp đắng lại… dẻo ngọt
Làng Lộc Đại nằm dưới chân núi Hòn Tàu thuộc xã Quế Hiệp (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Người dân nơi đây vốn nổi tiếng bởi chất giọng khác xa so với người xứ Quảng. Ở vùng đất lạ lùng đó, có một thứ nếp cũng có tên gọi lạ lùng – nếp đắng.
Trước khi trở thành sản phẩm OCOP 3 sao nổi tiếng trong, ngoài Quảng Nam, nếp đắng được người dân Lộc Đại truyền giữ từ bao đời. Độ ngon, vị dẻo thơm của loại nếp này được truyền khắp Quảng Nam.
Theo người dân địa phương, nếp đắng Lộc Đại được sử dụng để nấu các món ăn truyền thống như xôi gấc, xôi đậu đỏ, xôi gà, bánh tro mè, bánh tổ... Nếp đắng Lộc Đại cũng là nguyên liệu không thể thiếu trong các dịp lễ Tết.
Nhiều người dân ở vùng khác nghe danh nếp đắng Lộc Đại cũng ghé về tìm mua giống để gieo trồng. Nhưng lạ kỳ thay, giống nếp này trồng ở đâu cũng không có độ dẻo thơm mà hương vị đặc trưng như khi trồng ở làng Lộc Đại. Bởi vậy, người dân nơi đây rất trân quý và gìn giữ giống nếp quý giá này.
Nếp đắng Lộc Đại là sản phẩm OCOP nổi tiếng của Quảng Nam. Ảnh: Sàn Việt |
Từ đó, địa phương đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Quế Hiệp (tại xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn) để gìn giữ và phát huy giá trị của nếp đắng Lộc Đại.
Tham gia HTX là những người nông dân dày dặn kinh nghiệm trong việc canh tác và chế biến nếp đắng Lộc Đại. Với kinh nghiệm phong phú của các lão nông cùng việc áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hương vị truyền thống của nếp đắng Lộc Đại tiếp tục được gìn giữ và trao truyền.
Khác với các loại nếp khác, nếp đắng Lộc Đại có hạt to tròn, trắng ngần. Khi nấu chín, nếp nở đều, cơm dẻo thơm, bùi bùi, mang lại cảm giác ngon miệng cho người thưởng thức. Mùi thơm của nếp đắng Lộc Đại thoang thoảng, nấu chín thì càng ngày càng tỏa hương mạnh mẽ, kích thích khứu giác và vị giác.
Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Quế Hiệp đang triển khai trồng và canh tác nếp đắng Lộc Đại theo quy trình canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt, nếp đắng Lộc Đại chỉ phát triển tốt tại khu vực làng Lộc Đại. Do vậy, sản lượng nếp đắng Lộc Đại có hạn và luôn và sản phẩm “hot” trên thị trường.
Canh tác và sản xuất ở một vùng đất xa xôi, bởi vậy, ngay từ đầu, HTX xã Quế Hiệp đã chủ trương tiếp cận khách hàng thông qua thương mại điện tử và các kênh trực tuyến như Facebook, Zalo… Muốn như vậy, HTX xác định phải tập trung vào nâng cao quy trình sản xuất nếp, hiện đại hóa dây chuyền xay xát, đóng gói và chỉnh chu về thương hiệu.
Từ năm 2018, HTX xã Quế Hiệp bắt đầu liên kết với 72 hộ dân Lộc Thượng tổ chức sản xuất 12ha nếp đắng thương phẩm “sạch” theo phương thức hàng hóa tập trung và bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Đến tháng 10/2019, thông qua một đơn vị tư vấn, HTX đã hoàn thành việc thiết lập bao bì, nhãn mác và đăng ký thương hiệu “Nếp đắng Lộc Đại” với Cục Sở hữu trí tuệ. Cuối năm 2019, sản phẩm nếp đắng Lộc Đại được UBND huyện Quế Sơn đánh giá đạt hạng OCOP 3 sao.
Đặc sản vùng núi lên… sàn thương mại điện tử
Nhờ đạt được những tiêu chuẩn khắt khe, nếp đắng Lộc Đại dễ dàng tiếp cận với các kênh thương mại điện tử và bán hàng trên các sàn. Nhờ đó, thương hiệu nếp đắng Lộc Đại ngày càng được lan tỏa và được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, tìm mua. Mới đây, HTX này cũng đưa sản phẩm nếp đắng Lộc Đại lên Sàn Việt (sanviet.vn) để mở rộng thị trường, ấp ủ khát vọng xuất khẩu.
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở này đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng sàn Thương mại điện tử Quảng Nam (www.quangnam.sanviet.vn) được tích hợp vào sàn thương mại điện tử hợp nhất (Sanviet.vn) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng và quản lý vận hành.
Thông qua sàn thương mại điện tử Quảng Nam, thời gian qua, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương dần dần khẳng định được thương hiệu và tìm kiếm được thị trường phù hợp, nhiều sản phẩm đã kết nối và xuất khẩu ra quốc tế.
Sàn thương mại điện tử Quảng Nam với các gian hàng và kênh thông tin giới thiệu chuyên nghiệp, nhanh chóng dành cho cơ sở, doanh nghiệp và các tính năng ưu việt, cho phép tối ưu và tùy chỉnh cao, mang lại nhiều giá trị cho cả người bán và người mua. Với chỉ vài thao tác đơn giản, việc mua bán trên sàn thương mại điện tử này cũng dễ dàng, nhanh chóng và hết sự thuận tiện.
Với việc tích hợp với Sàn Việt (sanviet.vn), các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và đặc sản Quảng Nam dễ dàng tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường, tạo được uy tín thương hiệu không chỉ trong tỉnh mà còn trên toàn quốc.
Theo đại diện Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai Sàn Việt (sanviet.vn), sàn thương mại điện tử hợp nhất là mô hình chuỗi cung ứng hàng hóa tập trung từ Trung ương đến địa phương và cũng là địa điểm để chia sẻ, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử hợp nhất còn cung cấp các công cụ tiếp thị, xúc tiến bán hàng trực tuyến giúp doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào một địa chỉ tên miền là có thể thực hiện hầu hết mọi thao tác trên cùng một nền tảng. Qua đó, doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng phát triển thương mại điện tử, đồng thời tạo ra sự tập trung, thu hút được lượng lớn nhà cung cấp sản phẩm và khách hàng.
Ngoài việc hỗ trợ tối đa để nông dân đưa sản phẩm “lên sàn”, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hộ nông dân, hợp tác xã tiếp cận với thanh toán trực tuyến, dịch vụ vận chuyển tiện ích… để tối ưu hóa quá trình bán hàng qua kênh thương mại điện tử.
Theo ông Hường Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Hiện, có khoảng 70% sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.