Theo nhận định của Sở Công Thương tỉnh An Giang, khi số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam có chiều hướng tăng lên thì người dân trên địa bàn đã có xu hướng mua hàng tích trữ, khiến một số mặt hàng bị khan hiếm cục bộ trong một số thời điểm nhất định.
Các siêu thị Co.opmart tại An Giang đã tăng 40% lượng hàng thiết yếu dự trữ phục vụ nhu cầu của người dân |
Trước tình hình đó, Sở Công Thương An Giang đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối tăng cường bình ổn giá các mặt hàng chống dịch, triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát mặt bằng giá; đồng thời thực hiện kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng cũng như có phương án cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác đề phòng khi phải tiến hành cách ly.
Theo ông Đoàn Minh Triết, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang, Sở đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 22 doanh nghiệp với 76 điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh, tổng giá trị hàng hóa gần 5.000 tỷ đồng. Sở cũng đã liên kết với 03 nhà mạng (Viettel, Vinaphone và Mobifone) triển khai thực hiện dịch vụ gửi tin nhắn cho 7.000 thuê bao di động trên địa bàn để tuyên truyền nhằm bình ổn thị trường hàng hóa.
Các báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, chỉ riêng với hệ thống kênh phân phối, tỉnh này đang có 76 điểm bán hàng tham gia bán hàng bình ổn năm 2020. Các điểm này gồm Co.opmart Long Xuyên, Co.opmart Châu Đốc, Co.opmart Tân Châu, Co.opmart Thoại Sơn, siêu thị Tứ Sơn, cửa hàng Bách Hóa Xanh (47 cửa hàng), cửa hàng Vinmart+ (20 cửa hàng).
Các siêu thị này khẳng định, lượng hàng dự trữ rất phong phú, đủ cung cấp cho người dân, cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 20-40% các chủng loại thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình cho người dân.
Cụ thể, đại diện của Saigon Co.op (đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Co.opmart) cho biết, các hệ thống siêu thị của nhà bán lẻ này đã tăng lượng hàng dự trữ tăng 40% so với ngày thường. Hàng dự trữ tập trung vào các sản phẩm gạo, dầu ăn, mì tôm, đồ hộp, xúc xích… Nhà bán lẻ này cũng xây dựng kế hoạch để đưa hàng hóa đến những địa phương có dịch một cách đầy đủ và an toàn nhất qua việc đặt hàng dự trữ về các kho trung tâm của Saigon Co.op ở khu vực Tây Nam bộ; đàm phán ký thỏa thuận dự trữ hàng tại kho các Nhà cung cấp; dự trữ tại kho các siêu thị để kịp thời cung ứng hàng; có kế hoạch dự trữ riêng cho từng siêu thị thuộc vùng dịch…
Tương tự, siêu thị Tứ Sơn khẳng định nguồn cung hàng hóa đây đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ người dân và tuyên truyền cho nhân viên tư vấn khách không cần thiết mua nhiều hàng hóa, nhất là hàng tươi sống.
Bên cạnh mạng lưới siêu thị, tỉnh An Giang còn có mạng lưới chợ phủ khắp các địa bàn nên hàng hóa luôn cung ứng kịp thời tới người tiêu dùng, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng và biến động giá cục bộ.
Với lượng hàng dự trữ tăng, giá cả được cam kết giữ ổn định, Sở Công Thương An Giang khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ, thay đổi thói quen từ mua trực tiếp qua mua online hoặc qua điện thoại để hạn chế tới nơi đông người, tránh sự lây lan của dịch bệnh. Ngoài ra, Sở khẳng định sẽ thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.