An Giang đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển thương mại biên giới
/chu-de/tinh-an-giang.topic có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia dài gần 100 km; là vùng đất đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu – hai nhánh lớn của sông Cửu Long. Tất cả đã tạo nên dòng chảy liền mạch, giúp nơi đây trở thành cửa ngõ giao thương biên giới thuận tiện cả đường thủy, đường bộ từ Campuchia tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.
Nhờ vị trí địa lý đặc biệt, kết hợp với đường biên giới dài tiếp giáp tỉnh Kandal và Takeo của Vương quốc Campuchia, An Giang mang nhiều lợi thế để phát triển các khu kinh tế cửa khẩu cùng các chuỗi hoạt động sản xuất, xuất khẩu, dịch vụ logistics.
Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang). Ảnh: T.H |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 2 cửa khẩu quốc tế là Tịnh Biên, Vĩnh Xương và 2 cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông. Đây là lợi thế của tỉnh trong phát triển thương mại biên giới.
Thời gian qua, việc xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại ở An Giang có những bước phát triển đáng kể, đưa nơi đây trở thành điểm giao thương năng động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn và khu vực lân cận, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Số liệu thống kê giai đoạn 2019 - 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng bình quân đạt 5,5%/năm. Riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 2,7 tỷ USD (tăng 7,6% so cùng kỳ 2022).
Nửa đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục sôi động. Để thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới, Cục Hải quan An Giang đã chỉ đạo các chi cục hải quan tích cực hỗ trợ, kịp thời giải đáp, hướng dẫn cho doanh nghiệp khi có yêu cầu; thực hiện thủ tục hải quan nhanh chóng, thuận lợi, không để phát sinh ùn ứ, ách tắc tại cửa khẩu; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ pháp luật.
Với nhiều giải pháp tạo thuận lợi, đã thu hút số lượng lớn doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu. Tổng số doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục tại các chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc Cục trong 6 tháng đầu năm 2024 đã nhích tăng khoảng 3%, với 444 doanh nghiệp.
Riêng ngành Công Thương cùng các ngành liên quan cũng đã có những đóng góp quan trọng cho hoạt động phát triển hệ thống logistics, thương mại biên giới của tỉnh. Thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục bám sát Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu An Giang đến năm 2030… để triển khai thực hiện công việc cụ thể liên quan đến hoạt động logistics, tập trung phát triển logistics số (e-logistics).
Đồng thời, tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư; thường xuyên rà soát danh mục dự án, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, cơ chế chính sách của tỉnh; hỗ trợ, tư vấn nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; tuyên truyền, cung cấp thông tin, cơ sở pháp lý liên quan việc thực hiện logistics trong môi trường đầu tư, kinh doanh...
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng: Giao thông, thương mại, cụm công nghiệp, thông tin liên lạc... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo nền tảng, tiền đề khai thông tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, An Giang tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đã thực hiện đầu tư hạ tầng thương mại mở rộng hoạt động kinh doanh; tăng cường kêu gọi, đón nhiều nhà đầu tư mới phát triển các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... Từ đó, góp phần phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp.