Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh: Chấp nhận Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (E-CO) là điều kiện quan trọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Ấn Độ hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD do lãnh đạo hai nước đặt ra. Trước đó, ngày 07/4/2020, Tổng cục Ngoại thương tiếp tục ra thông báo Thương mại số 01/2020-2021 gửi các đơn vị xuất khẩu, các cơ quan hữu quan theo các Hiệp định thương mại tự do, các Đại sứ quán các nước đối tác của các hiệp định thương mại tự do về việc khai và cấp điện tử chứng nhận xuất xứ ưu đãi đối với các lô hàng xuất khẩu của Ấn Độ theo các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực từ 07/4/2020. Theo đó, thông báo “Nền tảng trực tuyến để cấp giấy chứng xuất xứ ưu đãi đang được mở rộng thêm cho các FTA/PTA”. Nền tảng được thiết kế như là một điểm truy cập cho tất cả các FTA/PTA đối với các giấy chứng nhận xuất xứ sử dụng các cho tất cả các hàng hóa xuất khẩu.
Nền tảng trực tuyến để cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi đang được mở rộng thêm cho các FTA/PTA |
Ngày 16/4/2020, Bộ Công Thương Ấn Độ đã có thư gửi ông Dato Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký - Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia, trong đó đề nghị Ban Thư ký và các nước Asean chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ được cấp thông qua nền tảng điện tử (E-C/O) của Ấn Độ, vì lợi ích của các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng cho biết: “Tôi đã trực tiếp làm việc với Bộ Tài chính, đồng thời chỉ đạo Thương vụ tích cực làm việc với cơ quan trong nước, hy vọng sẽ có kết quả tích cực sớm”.
Hiện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng đang tích cực làm việc với Bộ Công Thương Ấn Độ để tìm ra giải pháp phù hợp và nhanh nhất nhằm giải quyết vấn đề nêu trên tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy thương mại song phương.