Ấn Độ tìm kiếm cơ hội mới ở Trung Đông
Theo Viện nghiên cứu Montaigne của Pháp, mối quan hệ giữa các quốc gia Arập và Ấn Độ tuy chưa mang tính chất định hình cho khu vực, nhưng sự phát triển của Ấn Độ trong khu vực, cả về kinh tế, quân sự lẫn ngoại giao là không thể phủ nhận. Điều này cũng củng cố xu hướng đa dạng hóa trong chính sách đối ngoại của các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là việc các quốc gia này không ngừng xích lại gần các cường quốc châu Á.
Những lợi ích của Ấn Độ ở Trung Đông chủ yếu tập trung vào khía cạnh kinh tế, đặc biệt là nhu cầu năng lượng. Theo đó, 87,9% lượng dầu tiêu thụ của Ấn Độ dựa vào nhập khẩu. Năm 2023, trong số 4,6 triệu thùng dầu mà Ấn Độ nhập khẩu mỗi ngày từ các nguồn cung chính gồm Iraq (20%) và Saudi Arabia (15%), Nga (40% - lượng dầu mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga tăng mạnh kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan trong chuyến thăm UAE, tháng 6/2022. Ảnh: Gulf News |
Ngoài ra, chính sách của Ấn Độ đối với Trung Đông bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của khoảng 8,5 triệu người lao động Ấn Độ trong khu vực, đặc biệt ở vùng Vịnh. Tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), có đến 3 triệu lao động Ấn Độ, bằng 1/3 số dân bản địa. Thu nhập từ những người lao động này đóng góp gần 28,6% lượng kiều hối được chuyển vào nền kinh tế Ấn Độ, tương đương khoảng 23,4 tỷ Euro từ UAE trong năm 2022.
Nếu năng lượng và xuất khẩu lao động của Ấn Độ từ lâu đã là hai trụ cột trong chính sách của Ấn Độ đối với các quốc gia vùng Vịnh, thì từ cuối những năm 2010, các quốc gia vùng Vịnh cũng đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ. Đặc biệt, các tập đoàn công nghiệp lớn và các quỹ Chính phủ của UAE đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ chính sách phát triển cơ sở hạ tầng lớn mà Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng. Trong đó Abu Dhabi đã cam kết đầu tư gần 75 tỷ USD vào lĩnh vực này.
Kinh tế không phải là lĩnh vực duy nhất mà Ấn Độ quan tâm tại Trung Đông. An ninh và quốc phòng cũng đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đối thoại giữa Delhi và các đối tác địa phương trong thập kỷ qua. Điều này bao gồm nhiều khía cạnh, bắt đầu từ việc trao đổi thông tin tình báo và hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố. Sự hợp tác này tăng tốc rõ rệt trong giai đoạn gần đây giữa Delhi và các chế độ quân chủ vùng Vịnh, đặc biệt trong việc triệt phá các nhóm khủng bố và tổ chức tội phạm Nam Á vốn sử dụng Dubai làm nền tảng tài chính và căn cứ để lên kế hoạch cho các hoạt động.
Bên cạnh đó, việc tăng cường quan hệ đối tác của Ấn Độ ở Trung Đông cũng gắn liền một chính sách đa phương năng động chưa từng có. Điều này thể hiện qua việc Delhi tham gia nhiều sáng kiến mới ở Trung Đông. Tiêu biểu nhất cho cơ chế hợp tác tiểu đa phương này là I2U2 - một sáng kiến hợp tác giữa 4 quốc gia gồm Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ. Một mặt, I2U2 là sự tiếp nối Hiệp định Abraham nhằm hợp thức việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE vào năm 2020. Dựa trên việc củng cố đồng thời mối quan hệ giữa Tel Aviv, Abu Dhabi và Delhi, việc thành lập diễn đàn này là một bước đi hợp lý theo cách nhìn của Washington. Mặt khác, chính quyền ông Biden nhìn nhận I2U2 như một phần mở rộng của chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Tiếp nối I2U2, Ấn Độ cũng đã tham gia hành lang Ấn Độ-châu Âu-Trung Đông (IMEC), một sáng kiến còn tham vọng hơn được chính quyền ông Biden công bố vào tháng 9/2023. IMEC nhằm mục đích huy động các Chính phủ và khu vực tư nhân đầu tư vào các hạ tầng cảng và đường sắt kết nối tiểu lục địa Ấn Độ với bán đảo Arập và Trung Đông. Israel cũng được cho là sẽ đóng góp cho dự án lớn này thông qua cảng Haifa. Giống như I2U2, IMEC đáp ứng mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường trao đổi giữa Israel và các đối tác của Washington ở Riyadh, Abu Dhabi và Delhi.