AI đang thay đổi ngành khai thác dầu khí như thế nào?
Các nhà vận hành đường ống, thiết bị ngoài khơi và nhà máy lọc dầu đang được khuyến khích áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới, có thể giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc kiểm tra các thiết bị và cơ sở vật chất quan trọng như van, trục, vòng bi, ống dẫn,…
Element Materials Technology (Element) cho rằng, với thời gian ngừng hoạt động ngoài kế hoạch khiến các công ty thiệt hại 11% doanh thu hàng năm. Ngay cả việc ngừng hoạt động trong thời gian ngắn cũng có thể gây tốn kém, với chi phí cho một giờ ngừng hoạt động trong lĩnh vực dầu khí tăng hơn gấp đôi chỉ sau 2 năm, lên gần 500.000 USD.
Do đó, Element hiện đang kêu gọi những người quản lý việc bảo trì nhà máy và thiết bị trên nền tảng ngoài khơi, trong các nhà máy lọc dầu và trong đường ống dẫn dầu, nghiên cứu tiềm năng công nghệ AI để giúp hạn chế thời gian ngừng hoạt động.
Việc ứng dụng AI và các công nghệ kỹ thuật số khác trong ngành dầu khí đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong những thập niên tới. Ảnh: Pixabay |
Được biết, trong bộ “Dịch vụ quản lý toàn vẹn tài sản (AIMS)”, công ty hàng đầu thế giới về thử nghiệm, kiểm tra và chứng nhận (TIC) đang sử dụng máy ảnh kỹ thuật số tiên tiến và AI để hỗ trợ lập bản đồ cơ sở, phát triển bố cục cho các nhà máy cũ và báo cáo kiểm tra về mức độ nghiêm trọng của thiết bị hư hỏng.
Bộ AIMS của Element cũng cung cấp khả năng phân tích lỗi, mô hình toán học và mô phỏng thiệt hại cho thiết bị và kết cấu. Để giúp các nhà khai thác dầu khí hiểu được lợi ích, nhà cung cấp TIC sẽ tổ chức hội thảo trực tuyến miễn phí. Tại đây các đại biểu sẽ có thể nghe về những ưu điểm của AI và cách áp dụng những đột phá công nghệ này vào chiến lược bảo trì.
Trước đó, kết quả khảo sát và nghiên cứu các doanh nghiệp trong thuộc top đầu trong ngành dầu khí, năng lượng và điện được Viet Research thực hiện cho thấy ngành dầu khí nổi lên với 2 xu hướng là công nghệ bản sao kỹ thuật số và AI trong tự động hóa. Cụ thể, công nghệ bản sao kỹ thuật số (Digital Twin Technology) đã thay đổi cách ngành dầu khí quản lý và tối ưu hóa tài sản vật lý. Việc tạo ra các bản sao ảo cho phép tối ưu hóa vị trí giếng và chiến lược khoan, giảm thiểu khoan lỗ không cần thiết và giảm chi phí xây dựng giếng tới 10%, đồng thời cải thiện 5% hiệu suất sản xuất.
Sử dụng AI trong tự động hóa cũng đã thúc đẩy sự tiến bộ trong ngành dầu khí, AI giảm thiểu nhu cầu di chuyển vật lý đến các địa điểm giếng khoan, giảm 20% khí thải giao thông. Ngoài ra, AI còn giúp điều chỉnh liên tục hoạt động để đạt hiệu quả tối đa và giảm tiêu hao năng lượng.
Thống kê cho thấy, dầu khí hiện là nguồn năng lượng quan trọng bậc nhất, đang đóng góp 64% tổng năng lượng đang sử dụng toàn cầu.
Đối với Việt Nam, ngành dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước; liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo sự tự chủ về nhiên liệu, đảm bảo nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế như phân bón, hóa dầu, các sản phẩm hóa chất… Ngành dầu khí góp phần đáng kể vào ngân sách quốc gia, mang lại nguồn ngoại tệ lớn, làm cân đối hơn cán cân xuất, nhập khẩu thương mại quốc tế, góp phần tạo nên sự phát triển ổn định đất nước.