8 hiệp hội ngành hàng kiến nghị cho lao động hưởng lương hưu sớm
Các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng: Dệt may, Da giày - Túi xách, Gỗ và Lâm sản, Nhựa, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Điện tử, Thực phẩm minh bạch và Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản góp ý Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Theo đó, các hiệp hội kiến nghị cho nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu sớm theo nguyện vọng.
Lý giải của các hiệp hội. đa số lao động hiện nay làm việc chân tay, nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội sớm, đóng thời gian dài với mức cao. Đến độ tuổi ngoài 55, sức khỏe họ giảm sút, khó đáp ứng công việc và dễ bị đào thải.
Ngoài ra, theo các hiệp hội, nếu phải chờ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nam 62, nữ 60, người lao động khó đảm bảo cuộc sống; còn xin về hưu trước tuổi, họ lại bị trừ 2% cho mỗi năm nghỉ sớm.
Theo quy định, tuổi hưu mỗi năm tăng thêm ba tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, thêm bốn tháng với nữ đến khi đủ 60 tuổi năm 2035. Như vậy, các hiệp hội cho rằng nhiều người khó đảm bảo cuộc sống, cơ hội cho lao động trẻ có việc làm thấp hơn.
Bên cạnh đó, 8 hiệp hội, ngành hàng cũng đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đối với cả hai phương án. Còn về chế độ bảo hiểm xã hội một lần, các hiệp hội đề xuất cho người lao động sau 12 tháng không đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu (cho đến tuổi nghỉ hư) và mức hưởng phải được ghi rõ tại thời điểm thanh toán bảo hiểm một lần để người lao động nắm bắt.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.