6 nhóm giải pháp tập trung để đạt mục tiêu tăng trưởng
Toàn cảnh họp báo |
Dịch vụ tăng mạnh nhất
Điểm nổi bật trong báo cáo kinh tế 3 tháng đầu năm là mức tăng trưởng đều trên cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,46% vào mức tăng trưởng chung và khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp đã cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành lâm nghiệp tăng 4,94%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm, ngành thủy sản tăng 3,5%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Trong đó, ngành khai khoáng sụt giảm, chỉ bằng 90% cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,76 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, ngành chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng 8,3%, giảm đáng kể so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016. Ngành xây dựng tăng 6,1%, thấp hơn tốc độ tăng 8,6% của cùng kỳ năm 2016 và đóng góp 0,03% vào tăng trưởng chung.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như bán buôn và bán lẻ tăng 7,38% so cùng kỳ 2016, đóng góp 0,77% điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,03%, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,76%, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,72%.
3 nguyên nhân tăng trưởng thấp
Mặc dù tăng đều trên cả các khu vực, song theo nhận định của Tổng cục Thống kê, với mức tăng 5,10%, tăng trưởng GDP quý I năm nay tuy cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012-2014, với lần lượt là 4,75%; 4,76% và 6,06%, nhưng lại thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Ông Hà Quang Tuyến trao đổi với báo chí tại buổi họp báo |
Nguyên nhân thì có nhiều, song theo ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) có 3 nguyên nhân, bao gồm: Khô hạn, xâm nhập mặn vào cuối năm 2016 tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả trồng trọt, sản lượng nông nghiệp trong quý I/2017 tại đồng bằng sông Cửu Long. Thể hiện rõ nhất là trong quý I/2017, lúa mùa và lúa đông xuân của đồng bằng sông Cửu Long đều bị giảm diện tích. Trong đó, vụ mùa bị giảm diện tích 55 ngàn ha, vụ đông xuân giảm 17 ngàn ha. Tính cả hai vụ, diện tích trồng trọt của quý I tại khu vực này giảm 73 ngàn ha. Kéo theo đó, sản lượng lúa mùa và đông xuân giảm so với quý I/2016 là 330 ngàn tấn. Kết quả trồng trọt cả nước tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm.
Nguyên nhân thứ 2, ngành công nghiệp có tăng trưởng thấp và giảm so với quý I/2016, chủ yếu là tập trung vào chế biến, chế tạo. Quý I/2017 tăng trưởng 8,3%, trong khi đó cùng kỳ 2016 tăng trưởng 8,94%. Nguyên nhân tăng trưởng thấp của ngành này chủ yếu tập trung ở 2 ngành con, là chế biến thực phẩm và sản xuất sản phẩm điện tử. Trong khi quý I/2017, chế biến thực phẩm tăng có 4,4% thì quý I/2016 là tăng 8,6%. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử trong quý I năm nay tăng trưởng âm 1%, trong khi đó, quý I năm ngoái tăng trưởng dương 11,3%.
Nguyên nhân thứ 3, chủ trương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, mục tiêu dựa tăng trưởng vào tài nguyên thiên nhiên được nhà nước điều chỉnh, tác động đến ngành khai khoáng, nên trong quý I, kể cả khai thác dầu thô, khí, than đều tăng trưởng âm so với quý I năm trước đó. Do đó, toàn ngành khai khoáng, chỉ đạt 90%, âm 10% so với 2016.
Tập trung 6 nhóm giải pháp
Dựa vào kết quả tăng trưởng GDP quý I/2017, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% theo tinh thần Quốc hội đề ra, 9 tháng còn lại Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng 7%. Điều này là vô cùng khó khăn.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm giải pháp lớn: Một là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng, đồng thời chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ khởi nghiệp.
Hai là, thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước và kỷ luật tài khóa. Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Tăng cường các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế và gian lận thương mại. Có giải pháp để chống chuyển giá dưới mọi hình thức của các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ Ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tính toán và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý trong năm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017.
Ba là, Chính phủ cần có giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn đầu tư công cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ - một trong ba khâu đột phá được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2017; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.
Bốn là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, phù hợp với lợi thế từng vùng, miền, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, nhất là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh, từ đó thông tin, chỉ đạo kịp thời để người dân chủ động ứng phó và có biện pháp phòng tránh.
Năm là, có chính sách thúc đẩy nhu cầu trong nước; tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu. Phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ trong nước nhằm hạn chế nước ngoài thâu tóm mạng lưới siêu thị và đưa hàng vào thị trường Việt Nam. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống và các thị trường có sức mua tiềm năng cao, các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tận dụng các lợi thế mở rộng thị trường theo cơ chế Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Sáu là, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.