250 doanh nghiệp Hải Phòng thiệt hại tới 1.600 tỷ đồng do bão số 3
Vừa khắc phục vừa nỗ lực sản xuất
Ngày 3/10, báo cáo của Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp hạ tầng đều chịu thiệt hại do bão số 3, nhiều cây xanh bị gãy đổ, hệ thống hạ tầng, viễn thông bị ảnh hưởng. Đến nay, các Khu công nghiệp đều đã cung cấp đầy đủ điện, cấp nước cho các doanh nghiệp thứ cấp, kết nối mạng ổn định. Các doanh nghiệp thứ cấp đã hoạt động sản xuất trở lại.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 250 doanh nghiệp trên tổng số 589 doanh nghiệp (chiếm khoảng hơn 40%) trong khu công nghiệp bị thiệt hại sau bão với tổng số tiền dự tính khoảng gần 1.600 tỷ đồng.
Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả sau bão do thời tiết, nguyên vật liệu, nhân công… nhưng các doanh nghiệp đã khẩn trương khắc phục và ổn định sản xuất trở lại, quyết tâm không làm đứt chuỗi cung ứng.
Lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra - Ảnh: Báo điện tử ĐCSVN |
Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương, cơ quan, đoàn thể triển khai lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả do bão số 3, trong đó, khẩn trương hoàn thành cấp điện, nước, ổng định thông tin liên lạc, giao thông, môi trường, đảm bảo sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Ban Quản lý cũng đã khẩn trương thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp khảo sát, kiểm tra, nắm bắt tình hình tại doanh nghiệp, kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan và hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp khắc phục hậu quả do bão gây ra; nhanh chóng đảm bảo cung cấp nguồn điện, nước, giao thông thông suốt, sẵn sàng các phương án ứng phó với lũ sau bão đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp (01 ngày sau bão).
Đến nay 100% các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã quay trở lại hoạt động sản xuất bình thường song song với việc khắc phục các hậu quả của bão. Các doanh nghiệp cũng đã chung tay ủng hộ thành phố khắc phục sau bão như: Tập đoàn LG hỗ trợ 7,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam hỗ trợ 1,5 tỷ đồng; Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng hỗ trợ 420 triệu đồng; Công ty TNHH JVC Corp hỗ trợ 500 triệu đồng… Một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đã thực hiện việc thăm hỏi, hỗ trợ các trường hợp công nhân, người lao động và gia đình chịu thiệt hại sau bão.
10 giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những thiệt hại dõ bão số 3 gây ra, ngay sau khi bão tan, ngày 18/9/2024, Ban Quản lý các khu kinh tế cũng đã tổ chức hội nghị lắng nghe và trao đổi các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, trên cơ sơ các chỉ đạo của Đảng, của Trung ương và thành phố, Ban Quản lý đã giải đáp, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão, nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Cụ thể, thứ nhất: Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện kịp thời việc sửa chữa nguyên trạng các công trình bị ảnh hưởng do bão số 3; đảm bảo ổn định sản xuất. Đồng thời, Ban Quản lý sẵn sàng giới thiệu các nhà thầu tư vấn thiết kế có uy tín, năng lực trên dịa bàn thành phố để tham gia hỗ trợ công tác đánh giá hiện trạng, thiết kế sửa chữa, cải tạo hạng mục công trình theo hình thức miễn phí.
Thứ hai, thăm và hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng sau bão. Theo đó, Công đoàn Khu kinh tế đã đề xuất Liên đoàn Lao động thành phố đến thăm, hỗ trợ 06 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng sau bão, mỗi doanh nghiệp 10 triệu đồng.
Thứ ba, các đơn vị chức năng của thành phố đã tổ chức giãn, hoãn tiến độ đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đang triển khai. Đối với các đoàn có trong Kế hoạch nhưng chưa triển khai thì điều chỉnh thời gian sang đầu năm 2025.
Hiện nay, Ban Quản lý đã cho tạm dừng các cuộc kiểm tra giám sát đầu tư định kỳ hàng Quý, kiểm tra về quy hoạch và xây dựng theo chức năng của Ban.
Thứ tư, đề nghị các công ty bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão. Theo đó, ngày 27/9/2024, Ban Quản lý đã tổ chức cuộc họp với đại diện lãnh đạo của các công ty bảo hiểm, các doanh nghiệp để trao đổi, tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ bồi thường bảo hiểm cho một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu công nghiệp Deep C bị thiệt hại sau cơn bão số 3, giúp doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, yên tâm phục hồi sản xuất.
Ban Quản lý khu kinh tế đã có Văn bản số 4399/BQL-QHXD ngày 01/10/2024 đề nghị các Tổng Công ty bảo hiểm xem xét, chỉ đạo các Công ty Bảo hiểm thành viên tại thành phố Hải Phòng thực hiện các nội dung cụ thể như:
Đẩy nhanh quá trình thẩm định, đánh giá thiệt hại sau bão số 3 đối với các doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng; tạo điều kiện để các Doanh nghiệp hoàn thành quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm trong thời gian sớm nhất có thể; Việc đánh giá và giải quyết thiệt hại được thực hiện theo từng hạng mục công trình (hạng mục được đánh giá hoàn thành công tác thẩm định trước thì bồi thường trước theo hình thức tạm ứng). Nghiên cứu, xây dựng các gói bảo hiểm phù hợp để kịp thời ứng phó với những tình huống thiên tai nguy hiểm tương tự như bão số 3 có thể xảy ra trong tương lai.
Lãnh đạo BQL Khu kinh tế thăm hỏi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão số 3 - Ảnh: Báo điện tử ĐCSVN |
Thứ sáu, đề nghị các Công ty kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp bị thiệt hại sau bão. Theo đó, Ban Quản lý đã cung cấp các thông tin, phối hợp cùng Cục Hải quan thành phố Hải Phòng tạo điều kiện và rút ngắn thời gian thông quan, nhập khẩu các vật tư, vật liệu, thiết bị máy móc để cung cấp cho các doanh nghiệp kịp thời sửa chữa các hạng mục công trình bị ảnh hưởng sau bão.
Thứ bảy, Ban Quản lý đã kịp thời rà soát, thống kê thiệt hại do cơn bão của các doanh nghiệp; gửi thông tin đến các cơ quan Thuế, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh thành phố Hải Phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội… để các cơ quan chức năng kịp thời phối hợp hỗ trợ.
Thứ tám, rà soát, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng từ các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn thành phố để kịp thời đáp ứng các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gấp; kết nối giữa các doanh nghiệp đang có nhu cầu về lao động thời vụ và các doanh nghiệp đang phải dừng sản xuất thỏa thuận, ký kết tạm thời chuyển nhượng người lao động để giảm bớt chi phí chi trả lương cho người lao động, đảm bảo duy trì, ổn định lực lượng lao động.
Thứ chín, chăm lo, hỗ trợ người lao động hoặc thân nhân người lao động bị thiệt mạng, bị thương phải nằm viện điều trị, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị hư hỏng, thiệt hại về nhà ở, hỗ trợ trẻ em mồ côi là con nguời lao động ảnh hưởng do cơn bão số 3; khuyến khích các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người lao động có gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 3 được nghỉ làm để khắc phục hậu quả, đảm bảo 100% lương cơ bản cho người lao động trong những ngày ngừng việc để khắc phục hậy quả sau bão và trợ cấp người lao động bằng các quỹ phúc lợi xã hội tự có của doanh nghiệp,
Thứ mười, sau bão số 3, việc rà soát, tăng cường năng lực ứng phó thiên tai là nhiệm vụ cấp bách đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế tại thành phố Hải Phòng. Để chủ động hơn trong việc ứng phó với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trong tương lai, cần thực hiện đồng bộ mộ số giải pháp như: Xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống thiên tai; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức; nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đặc biệt là hệ thống thoát nước.
Ngày 3/10, tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí tuần thứ 40 năm 2024 do Ban Tuyên giáo Thành ủy hải Phòng tổ chức, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã có báo cáo thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng uớc tính thiệt hại do thiên tai gây ra tính đến ngày 30/9/2024 đối với ngành Nông nghiệp là là 4.881,898 tỷ đồng. Chỉ tính riêng đối với lĩnh vực trồng trọt: Ước thiệt hại 2.628,49 tỷ đồng; Tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng (không tính hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng) là 32.637,2 ha; ước thiệt hại 2.346 tỷ đồng, trong đó: + Lúa 23.463,4 ha, ước thiệt hại 831,6 tỷ đồng (lúa thuần 20.588,1 ha, lúa lai 2.875,3 ha). + Hoa màu, rau màu 2.978,3 ha, ước thiệt hại 352,3 tỷ đồng. + Cây trồng lâu năm 3.706,8 ha, ước thiệt hại 725,8 tỷ đồng. + Cây trồng hàng năm 1.757,3 ha, ước thiệt hại 262,5 tỷ đồng. + Cây ăn quả tập trung 731,36 ha, ước thiệt hại 174 tỷ đồng. - Chậu, cây hoa, cây cảnh các loại 1.020,8 chậu/cây, ước thiệt hại 282,49 tỷ đồng |