Cần có chính sách để người di cư hưởng lợi |
Điều tra Di cư nội địa quốc gia năm 2015 là cuộc điều tra chọn mẫu và nghiên cứu định tính được thực hiện trên phạm vi 20 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội và 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia lần thứ hai, sau cuộc điều tra đầu tiên vào năm 2004 do Tổng cục Thống kê thực hiện tại Việt Nam, nhằm phục vụ xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách đối với người di cư. Đồng thời cung cấp thông tin cho các nghiên cứu chuyên sâu về di cư nội địa ở Việt Nam.
Theo kết quả điều tra, hiện số tuổi của người di cư năm 2015 phần lớn tập trung ở nhóm trẻ (15-39 tuổi), chiếm tỉ trọng 84% so với tổng số người di cư. Trong đó, nữ chiếm tỉ trọng 52,4% và nam chiếm tỉ trọng 47,6%. Ngoài ra, tỉ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn người không di cư (31,7% so với 24,5%). Đặc biệt, tỉ lệ phần trăm người di cư có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học là 23,1%, trong khi tỉ lệ này ở người không di cư là 17,4%.
Bên cạnh đó, đa số người di cư có việc làm ở nơi đến, cho thấy họ không đóng góp vào việc làm tăng tỉ lệ thất nghiệp tại điểm đến. Phần lớn những người di cư không có việc làm là những người di cư vì lý do học tập. Đông Nam bộ là nơi có tỉ trọng người di cư đang làm việc cao nhất nước (87,8%), tiếp đến là đồng bằng sông Hồng (81%), đây là hai khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp trong cả nước và thu hút một lượng lớn lao động nhập cư đến làm việc.
Ngoài ra, có gần 54% người di cư cảm thấy công việc của họ sau khi di cư tốt hơn hoặc tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Trong tất cả những khó khăn gặp phải, thì khó khăn về chỗ ở được đề cập đến nhiều nhất. Có tới 42,6% người di cư cho biết họ gặp khó khăn về chỗ ở. Người di cư thường nhận sự giúp đỡ từ gia đình, họ hàng và bạn bè, rất ít người nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương hoặc các cơ quan, đoàn thể ở nơi đến.
Đáng chú ý, kết quả điều tra cho thấy 2/3 người di cư cho biết hiện đang có thẻ BHYT. Tỷ lệ có thẻ BHYT của người di cư đã tăng từ 36,4% năm 2004 lên 70,2% năm 2015. Nhóm nghiên cứu nhận định, đây là một sự cải thiện lớn trong công tác BHYT so với 10 năm trước. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt rõ rệt về việc có thẻ BHYT ở các vùng. Cụ thể, trong khi khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có trên 80% người di cư có thẻ BHYT thì ở khu vực Tây Nguyên - nơi phần lớn người lao động làm nông nghiệp cá thể và khu vực Đông Nam bộ chỉ có hơn 50% có thẻ BHYT. Vẫn còn gần 30% người di cư chưa có thẻ BHYT.
Trước kết quả điều tra về tỷ lệ có thẻ BHYT hiện nay của người di cư, các nhà nghiên cứu cho rằng, dẫu đã có kết quả ấn tượng, nhưng với việc còn gần 1/3 số người không có BHYT cần thiết phải nỗ lực tăng cường truyền thông để người di cư hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tham gia và duy trì tham gia BHYT. Bởi việc không có thẻ BHYT đang là một thách thức không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe, vì họ có thể phải chi trả một khoản tiền đáng kể cho các dịch vụ y tế khi ốm.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, thời gian tới Việt Nam cần tiếp cận, làm chủ thông tin để có cách ứng xử, quản lý cũng như đánh giá tác động của vấn đề di cư nội địa. Từ đó giúp xác định những thay đổi cần thiết trong chính sách và thực tế giúp người di cư có thêm nhiều lựa chọn. |