Hoàn thiện khung pháp lý
Tại Việt Nam, công nghiệp hóa chất có vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế. Nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu hóa chất ngày càng tăng cùng với tốc độ tăng trưởng sản xuất hóa chất hàng năm là 15%.
Hợp tác quốc tế được Cục Hóa chất chú trọng |
Nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất, Luật Hóa chất đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 để quản lý hóa chất và tiếp thu xu hướng quản lý tiên tiến của thế giới về hóa chất. Trên cơ sở của Luật Hóa chất, Cục Hóa chất thuộc Bộ Công Thương ra đời ngày 2/1/2009 theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 2/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất - cho biết: Khi mới thành lập, tổng số cán bộ, công chức của Cục chỉ có 10 người. Đến nay, Cục Hóa chất đã có 40 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, có 5 tiến sỹ hóa, 16 thạc sỹ. Thực hiện chủ trương của Bộ Công Thương về tinh gọn bộ máy tổ chức, hiện tại Cục Hóa chất có 4 đơn vị, trong đó có 1 đơn vị sự nghiệp có thu; phân định rõ ràng về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị đảm bảo không bị chồng chéo và không bỏ sót nhiệm vụ. Từ năm 2009 đến nay, Cục đã chủ trì xây dựng và trình ban hành 1 pháp lệnh, 9 nghị định của Chính phủ, 14 thông tư hướng dẫn, 6 quy hoạch phát triển ngành và rất nhiều đề án, dự án về hóa chất. Về cơ bản, đã phủ kín được quy định cần thiết trong hoạt động hóa chất.
Thực hiện chủ trương cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, các nghị định và thông tư nêu trên đã được hợp nhất thành 3 nghị định và 4 thông tư hướng dẫn thực hiện.
Kết quả ấn tượng
Thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Hóa chất đã thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 46/130 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Trong số 22 thủ tục hành chính ở môi trường mạng cấp độ 3 và 4, có 2 thủ tục hành chính thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (khai báo hóa chất nhập khẩu; xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp); 2 thủ tục hành chính (xuất nhập khẩu tiền chất thuốc nổ và tiền chất công nghiệp) đã sẵn sàng khi hạ tầng kỹ thuật mạng của Tổng cục Hải quan đủ điều kiện vận hành.
Bên cạnh đó, Cục Hóa chất là một trong những đơn vị mạnh trong công tác hợp tác quốc tế. 10 năm qua, Cục luôn tìm tòi, khai thác cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức trẻ tham gia các khóa đào tạo về quản lý hóa chất với các nước có hệ thống quản lý hóa chất tiên tiến như Thụy Điển, Nhật Bản… tham gia các diễn đàn quản lý hóa chất khu vực, các khóa đào tạo thanh sát, an toàn, an ninh hóa chất, kiểm soát hàng xuất khẩu, tiếp cận chiến lược quản lý hóa chất quốc tế SAICM. Đây là một trong những điểm mạnh cần được phát huy.
Cục Hóa chất cũng tích cực triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ trọng điểm quốc gia về phát triển công nghiệp hóa dược và đạt được thành tích đáng kể. Cụ thể, đã đưa nhiều sản phẩm có giá trị ra thị trường với doanh thu khoảng 400 tỷ/năm, góp phần quan trọng chuyển đổi thành công kết quả nghiên cứu khoa học từ phòng thí nghiệm ra quy mô bán công nghiệp và công nghiệp bao gồm: 5 bằng độc quyền sáng chế, 41 giải pháp hữu ích đã được chấp nhận đơn; 31 bài báo quốc tế và 159 bài báo trong nước; góp phần đào tạo 28 tiến sỹ, 80 thạc sỹ, 45 cử nhân về hóa dược…
Kiên trì và quyết tâm với định hướng, mục tiêu quản lý, phát triển ngành, thời gian qua, Cục đề xuất nhiều giải pháp tham mưu lãnh đạo Bộ, với Chính phủ để tháo gỡ, hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp hóa chất thua lỗ.
"Đây là những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ nhưng với trách nhiệm và nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, Cục Hóa chất đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp thua lỗ, sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu thuận lợi hơn. Trong đó, Công ty Cổ phần DAP-Vinachem Đình Vũ đã thoát lỗ, có lãi từ năm 2018 đến nay và dự kiến được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ của ngành Công Thương" - ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Vững tin bước tiếp
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhận thức rõ những cơ hội và thách thức, Cục Hóa chất đặt ra định hướng phát triển trong giai đoạn tới là: Đổi mới, đoàn kết phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất; đưa Cục Hóa chất trở thành một cơ quan quản lý chuyên ngành, chuyên sâu về hóa chất, đáp ứng xu hướng quản lý hóa chất thế giới.
Cục Hóa chất sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa môi trường làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện và nâng cấp phần mềm quản lý văn bản; đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất.
Với những kết quả ấn tượng trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ghi nhận những đóng góp của Cục Hóa chất và giao nhiệm vụ: Cục Hóa chất cần tiếp tục thực hiện rà soát, nghiên cứu, xây dựng hoàn hiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hóa chất đảm bảo sự chặt chẽ, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường sự phối hợp giữa Cục với các Sở Công Thương trong thực hiện công tác quản lý hóa chất. cũng như các lĩnh vực khác liên quan; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực công chức, viên chức hoàn thành có chất lượng nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý hóa chất là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp lý quản lý hóa chất của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: Cục Hóa chất cần tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương về công tác quản lý hóa chất của các đơn vị trong ngành, hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp hóa chất bền vững giai đoạn tiếp theo. |