Chủ nhật 24/11/2024 22:55

'1 luật sửa 4 luật': Cởi trói nút thắt, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Luật Đầu tư, Luật PPP phải bảo đảm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Cần thiết ban hành Luật “1 luật sửa 4 luật”

Thảo luận tại phiên họp tổ của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, sáng 30/10, đa số ý kiến khẳng định sự cần thiết sửa đổi, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu

Đại biểu Hoàng Duy Chinh - đoàn Bắc Kạn đánh giá cao Chính phủ rất cầu thị và lắng nghe tiếng nói về những vướng mắc từ cơ sở trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; thể hiện quyết tâm thay đổi, đạt được mục tiêu cao nhất trong thời gian tới.

Việc trình 1 luật sửa 4 luật nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng các chiến lược và xây dựng thể chế tài chính, hạn chế xử lý những vấn đề mang tính chất sự vụ; tạo tính chủ động cho các cấp khi phân cấp, phân quyền, tránh lãng phí về thời gian, lãng phí kinh phí; từ đó tạo sự linh hoạt, tính chịu trách nhiệm cao hơn của các cấp được phân cấp, phân quyền.

Đại biểu Vũ Đại Thắng - đoàn Quảng Bình nêu một số vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu… Đây là những luật mới được thông qua nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm giải ngân, chậm trễ trong thủ tục đầu tư, chờ đợi giữa quy hoạch cấp này với quy hoạch cấp khác, chậm trễ trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng… Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tổng thể các điều khoản còn vướng mắc, xung đột lẫn nhau là cần thiết, cấp bách. Nếu không sẽ gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Các địa phương trong quá trình sửa đổi luật, đã cập nhật các vướng mắc từ khâu xây dựng kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng, phân cấp, phân quyền trong quản lý… gửi tới các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành; bước đầu đã được sửa đổi, bổ sung trong các dự án luật. Tuy nhiên, việc sửa đổi chưa triệt để, nhất là trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu.

Đại biểu cho rằng, với những quy định trong dự thảo luật, việc thực hiện đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế sẽ không khắc phục được, nếu vẫn coi đấu thầu vật tư y tế, thuốc là các loại hàng hóa chỉ dựa trên giá cả, mà không dựa trên công năng, tính chất của mặt hàng này.

Tương tự, đối với công tác đấu thầu các công trình, dự án đầu tư công, sửa đổi với mong muốn lựa chọn được các nhà thầu có chất lượng cao, có uy tín thực hiện, nhưng các điều khoản trong dự thảo luật lại không đảm bảo tính khả thi, chủ yếu vẫn quy định theo giá thấu đầu.

Về trình tự của đầu tư công, đại biểu nhận xét, để thực hiện một dự án đầu tư công, phải áp dụng quy định của nhiều luật khác nhau như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, liên quan đến quy định sử dụng đất rừng, đất ruộng… Mỗi quy trình đều yêu cầu thủ tục từ khâu lập hồ sơ, thẩm định, thẩm tra trước khi các cấp có thẩm quyền quyết định.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội bày tỏ sự cần thiết ban hành Luật “1 luật sửa 4 luật” nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thực tế, nhất là các vấn đề liên quan đến Luật quy hoạch và pháp luật chuyên ngành cần điều chỉnh.

Liên quan đến Luật Đầu tư, ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế biển rất lớn, Trung ương đã có nghị quyết chuyên đề về chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phấn đấu đóng góp của các tỉnh có biển đóng góp vào tăng trưởng của đất nước từ 70-75% GDP.

“Hiện các dự án đầu tư trên đất liền đã rõ, còn các dự án trên biển không nêu rõ thẩm quyền trách nhiệm. Ví dụ, vấn đề điện gió ngoài khơi cần nghiên cứu bổ sung nhằm tạo điều kiện cho phát triển các địa phương có biển trong thời gian tới” - ông Thi nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội cũng cho rằng, trong điều chỉnh quy hoạch cần quan tâm, cấp nào phê duyệt thì cấp đó điều chỉnh. Tuy nhiên, điều chỉnh cục bộ cần phân cấp nhưng không được thay đổi mục tiêu dự án và không gian.

Về Luật PPP, theo ông Cường, phải tạo sự hấp dẫn. Bởi hiện các nhà đầu tư “sợ” PPP, không dám vào vì cơ chế rủi ro. Ví dụ, các dự án giao thông thu phí, giờ không cho thu phí thì ai dám đầu tư. Do đó, cần cơ chế xử lý rủi ro, cam kết cùng chia sẻ và trách nhiệm, trong đó quy rõ cả trách nhiệm của cơ quan phê duyệt dự án PPP. Nếu không nhà đầu tư sợ không dám vào.

Đối với dự án BT, ông Cường nói “như con dao 2 lưỡi”. Bởi lợi ích lớn, hiệu quả cao nếu quản lý tốt. Nếu không thì ngược lại. Do đó phải kèm điều kiện thời gian nhanh, chi phí nhanh. Phải bình đẳng theo cơ chế thị trường, chứ tạo ra “rào cản”, tiêu cực thì không được.

Chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung "đã chín, đã rõ"

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu, các nước hiện nay không ngừng đổi mới, cải cách. Nếu Việt Nam không đổi mới, cải cách thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không đến hoặc đến rồi lại đi.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Việc thiết kế Luật phải hài hòa giữa quản lý Nhà nước, đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn kinh doanh, đầu tư. Nếu các quy định của luật, pháp luật không làm được điều này thì đất nước sẽ mất cơ hội. Mất cơ hội là mất hết, mất công ăn việc làm cho người dân, mất thu ngân sách nhà nước, mất cơ hội phát triển.

Ông Dũng phân trần, trước đây chúng ta xây dựng pháp luật chủ yếu là để quản lý nhưng bây giờ không chỉ quản lý mà còn phải thúc đẩy phát triển. Phải bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và “xin - cho”. Do đó, phải khắc phục và lần này định hướng chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, phân cấp phân quyền triệt để hơn, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn. Các thủ tục phải ngắn gọn để tiết giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, không đánh mất cơ hội của các nhà đầu tư.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong quá trình quản lý, điều hành, Chính phủ nhận thấy nhiều bất cập phát sinh cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để xây dựng dự án Luật này đã rõ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vấn đề nào đã thấy, đã rõ, đã chín, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì chúng ta sửa, còn vấn đề chưa rõ, chưa chín, chưa được thực tế chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Đề cập nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua, Quốc hội đã giám sát và ban hành một Nghị quyết về quy hoạch để Chính phủ thực hiện. Bây giờ, Chính phủ đề nghị tiếp tục bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Quy hoạch.

Cho rằng, công tác quy hoạch vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch phải bảo đảm: Sự tuân thủ, tính liên tục kế thừa, ổn định, tính thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, địa phương, lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, tính khả thi, tiết kiệm sử dụng nguồn lực của đất nước... Đây là những nguyên tắc quan trọng phải bám sát khi sửa đổi, bổ sung Luật.

Tương tự như vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Đầu tư, Luật PPP phải bảo đảm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Vừa qua áp dụng các luật này cho thấy, muốn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào thì phải sửa đổi một số điều khoản. Luật Đấu thầu cũng phải sửa đổi để bảo đảm chọn được nhà thầu có năng lực, thi công được các công trình chất lượng, tầm cỡ quốc gia.

Nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản cụ thể của 4 Luật là cần thiết, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi xem xét, quyết định dự luật này, Quốc hội phải cân nhắc kỹ lưỡng.

“Phương châm là không cầu toàn, không nóng vội. Các đại biểu thấy Chính phủ đề xuất 30 nội dung, đầu công việc mà qua bàn thảo thấy có 20 nội dung, đầu công việc đã chín, đã rõ thì chúng ta quyết 20 việc này, 10 việc còn lại mà chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu sau, chứ không thể vì cầu toàn mà đợi đủ cả 30 việc đều chín, đều rõ mới thông qua” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đã có thư gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu, Bộ Chính trị cũng đồng thuận theo quan điểm đổi mới tư duy này để chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách đang thực hiện mà thực sự gây khó khăn, vướng mắc trên thực tế, những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh.

“Chúng ta vận dụng tư duy trên, quan điểm trên vào ngay các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này để xem xét, điều chỉnh là các luật, những nội dung còn ý kiến khác nhau, chưa đạt sự đồng thuận thì phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn rồi mới sửa đổi” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào xã giao lãnh đạo Campuchia nhân dịp dự IPTP 11

Củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nam-Malaysia

Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Nhiều ý kiến đóng góp tích cực, bổ sung cho dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng ngành hóa chất hiện đại

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại học Quốc gia Malaya

Đại biểu Quốc hội: Cần thống nhất một đầu mối quản lý nhập khẩu, kinh doanh hóa chất

Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ về Luật Hóa chất (sửa đổi)

Tổng Bí thư và Phu nhân lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Malaysia

Kỹ sư dầu khí Việt kiều báo cáo Tổng Bí thư Tô Lâm kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo Malaysia

Tổng Bí thư và Phu nhân thăm Đại sứ quán và gặp cộng đồng người Việt ở Malaysia

Thảo luận về quản lý đầu tư, Thủ tướng nêu loạt vướng mắc và giải pháp từ doanh nghiệp ngành Công Thương

Tổng Bí thư hoan nghênh doanh nghiệp Malaysia đầu tư, làm ăn lâu dài ở Việt Nam

Cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra tiến độ Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Khẳng định Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đóng góp trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu

Cần đưa quy định phát triển công nghiệp bán dẫn vào Luật Công nghiệp công nghệ số

Sẽ quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư

Sửa đổi Luật Hóa chất phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay

Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Viện Tim quốc gia Malaysia