Yên Bái: Sản xuất của doanh nghiệp chế biến chế tạo tốt hơn trong quý II/2024
Vào “guồng” sản xuất sớm
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các /chu-de/doanh-nghiep-viet.topic, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã vào guồng làm việc khẩn trương. Các dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Khoáng sản công nghiệp Yên Bái đã bắt đầu hoạt động từ ngày mùng 6 Tết. Năm 2024, doanh nghiệp phấn đấu sản xuất 840.000 tấn bột đá/năm, tăng 20% công suất so với năm 2023.
Để đảm bảo mục tiêu đề ra, Công ty cổ phần Khoáng sản công nghiệp Yên Bái đã xây dựng kế hoạch và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nguyên liệu, nhân lực, thiết bị máy móc.
Tương tự, Công ty CP Thương mại Sản xuất Kim Gia với lợi thế có đơn hàng ổn định, hoạt động sản xuất sôi động ngay từ đầu năm. Thị trường gỗ đã có dấu hiệu phục hồi và dự kiến phục hồi mạnh vào quý III, công ty có kế hoạch sản xuất với mục tiêu đạt doanh thu bằng 150% của năm 2023. Đặc biệt sắp tới công ty sẽ được cấp chứng chỉ CE đảm bảo sản phẩm của doanh nghiệp có thể thông quan vào EU.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Khoáng sản công nghiệp Yên Bái. Ảnh YBM |
Cũng như hai doanh nghiệp trên, nhìn chung hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đi vào ổn định, bắt đầu tăng trưởng và chuẩn bị tăng tốc trong quý II/2024. Cục Thống kê Yên Bái cũng đưa ra con số thống kê khá khả quan về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quý đầu tiên của năm 2024.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 8,77% doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh tốt lên, 35,09% doanh nghiệp giữ nguyên và 56,14% doanh nghiệp gặp khó khăn hơn. Dự báo quý II/2024 kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến chế tạo tốt hơn so với quý I/2024, cụ thể: Có tới 50,88% doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh tốt lên, 28,07% doanh nghiệp giữ nguyên và 21,05% doanh nghiệp gặp khó khăn hơn.
Cùng đó, trong quý I/2024 số lượng doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh cũng tăng mạnh tới 119% so cùng kỳ với 68 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký 251,613 tỷ đồng. Như vậy, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 3.263 doanh nghiệp, lực lượng này đang là lực đẩy quan trọng cho sức tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Yên Bái.
Thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo tốt đã thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của Yên Bái 3 tháng đầu năm.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3/2024 ước tính tăng 33,56% so với tháng trước, tăng 7,67% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng giảm 28,53%, làm giảm 3,42 điểm phần trăm mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 16,37%, đóng góp 13,7 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 6,9%, làm giảm 1,16 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 3,57%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm.
Trong 18 ngành công nghiệp cấp 2, có 12/18 ngành có chỉ số sản xuất cộng dồn đến cuối tháng 3/2024 tăng. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ như: Khai thác quặng kim loại giảm 74,61%; khai khoáng khác giảm 3,94%; sản xuất trang phục giảm 3,59%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 23,25%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 69,99%...
Về chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Yên Bái tháng 3/2024 dù tăng tới 85,37% so với tháng trước nhưng luỹ kế 3 tháng đầu năm 2024 lại giảm 6,49% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả đạt được về sản xuất công nghiệp cũng như tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp được Cục Thống kê Yên Bái nhận định khá khả quan. Và để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, trong đó có mục tiêu xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng ổn định ở các tháng tiếp theo, đơn vị này khuyến nghị: Cần có biện pháp thiết thực, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về nguồn vốn, hỗ trợ trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thu hút đầu tư.
Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án: Sản xuất, chế biến chì – kẽm, đồng, khai khác chế biến đá vôi trắng, luyện gang thép, các dự án thuỷ điện, điện mặt trời, chế biến gỗ chất lượng cao… để nhanh chóng hoàn thành đi vào sản xuất,...
Riêng với ngành Công Thương, theo lãnh đạo Sở Công Thương Yên Bái, năm 2024 địa phương phấn đấu đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 18.400 tỷ đồng, tăng 8,87% so với năm 2023. Để đạt mục tiêu này, ngành Công Thương đang tập trung trung đôn đốc các dự án sắp sửa hoàn thành nhanh chóng đi vào sản xuất; các dự án khác đẩy nhanh tiến độ, cố gắng rút ngắn thời gian đầu tư, có thể cuối năm nay đi vào sản xuất. Với những doanh nghiệp đã và đang hoạt động khuyến khích phát huy toàn bộ công suất, phấn đấu ít nhất đạt 80% năng lực.