Yên Bái cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Theo số liệu từ Sở Công Thương Yên Bái, tính đến thời điểm hiện tại, Yên Bái có 103/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 68,67%. Dự kiến đến hết năm 2023, tỉnh sẽ xét công nhận thêm 4 xã nông thôn mới, lũy kế đạt 107/150 xã chiếm 71,3%.
Riêng với các tiêu chí, chỉ tiêu do Bộ Công Thương được giao phụ trách, gồm tiêu chí về điện nông thôn (tiêu chí số 4) và tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7), tính đến tháng 11/2023 toàn tỉnh lũy kế có 135/150 xã đạt tiêu chí số 4 (chiếm 90%); 103/150 xã đạt tiêu chí số 7 (chiếm 68,67% tổng).
Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% thôn, bản được sử dụng điện, ngoài việc triển khai dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Yên Bái theo kế hoạch vốn hàng năm, Sở Công Thương đã vận động các đơn vị trong và ngoài tỉnh đầu tư cấp điện cho các thôn chưa có điện. Đến nay, tỉnh đã vận động được “Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tài trợ thông qua Công ty Cổ phần NIINUMA (Nhật Bản) hỗ trợ đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời để cấp điện cho 300 hộ dân thuộc các xã Hồ Bốn, Lao Chải, Chế Tạo huyện Mù Cang Chải.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra tình hình thực hiện tiêu chí số 4 trong xây dựng nông thôn mới tại Yên Bái |
Đồng thời, vận động Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư cấp điện cho 1 thôn thuộc xã An Lương huyện Văn Chấn, tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả đạt được của địa phương trong xây dựng nông thôn mới, nhất là với các tiêu chí thuộc lĩnh vực Công Thương, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công Thương gần đây, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho rằng: Yên Bái đã rất nỗ lực trong triển khai các hoạt động, từng bước đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Cụ thể, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 97,9%. Chỉ còn một số hộ thuộc các xã đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới quốc gia.
Các xã đã cơ bản đảm bảo về cơ sở hạ tầng văn minh thương mại, góp phần mở rộng giao lưu hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân địa phương.
Dù vậy, quá trình thực hiện các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới của địa phương còn hạn chế. Trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng điện còn thấp, số lượng thôn, bản chưa có điện còn nhiều, đặc biệt là 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Lưới điện đã đến được 100% xã nhưng một số xã vùng cao mới chỉ cấp điện đến trung tâm, số thôn, bản nằm quá xa nên chưa có điện.
Nguồn vốn thực hiện tiêu chí số 4 chủ yếu từ lồng ghép các dự án đầu tư cải tạo lưới điện của ngành điện và vốn từ dự án thôn bản cấp điện từ lưới điện quốc gia tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án đầu tư lưới điện cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến tiến độ một số dự án lưới điện phân phối chậm tiến độ đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện tiêu chí này.
Tương tự với tiêu chí số 7, việc đầu tư xây dựng chợ nông thôn chủ yếu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, công tác xã hội hoá đầu tư chợ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các chợ nông thôn nguồn thu phí thấp, chưa có hiệu quả về kinh tế để đầu tư khai thác quản lý chợ. Nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng chợ còn hạn chế, một số chợ chỉ thực hiện đầu tư được một số hạng mục chính, nhiều hạng mục phụ chưa được quan tâm xây dựng.
Để khắc phục những trở ngại trên, đồng thời đạt mục tiêu dự kiến theo kế hoạch: Đến hết năm 2025 lũy kế có 150/150 xã đạt tiêu chí số 4; đến hết năm 2025 lũy kế có 126/150 xã đạt tiêu chí số 7; tổng số vốn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp năm 2024 là 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, lãnh đạo Sở Công Thương Yên Bái nhấn mạnh địa phương cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đình Chiến cũng đồng thời kiến nghị: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn thực hiện dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng khi có dự án điện đầu tư. Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh để nâng cấp, cải tạo xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư hạ tầng đối với các cụm công nghiệp đã được thành lập nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.