Ý nghĩa sâu sắc hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ
Hội nghị “Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển" là hoạt động dành cho các địa phương, đơn vị khu vực phía Bắc. Tham gia Hội nghị có 365 cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, văn nghệ sĩ công tác trong các ngành đến từ 9 tỉnh, thành phố trên toàn quốc như: Tuyên giáo; Báo chí; Xuất bản; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Hội Văn học, nghệ thuật (VHNT) các tỉnh, thành phố; lãnh đạo, giảng viên một số trường cao đẳng, đại học đào tạo chuyên ngành văn hoá, nghệ thuật Trung ương và địa phương…
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho biết: "Tại Hội nghị này chúng tôi tập trung vào các nội dung như “nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật và triển khai thực hiện kết luận số 84 của Bộ Chính Trị khoá 13 về tiếp tục thực hiện phát triển VHNT của Việt Nam trong thời kì mới; hay là những chuyên đề VHNT với phát triển văn hoá Việt Nam, hay VHNT với vai trò kết nối và hoà hợp dân tộc, giữa người Việt Nam ở nước ngoài và người Việt Nam ở trong nước; vai trò của kiến trúc trong đời sống xã hội, những vấn đề đang đặt ra hiện nay. Đây là hội nghị tập huấn về công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ có số lượng học viên tham dự đông nhất từ trước đến nay, trong đó có 2 học viên từ CHLB Đức về tham dự”.
Tại Hội nghị tập huấn có 5 chuyên đề được báo cáo bởi các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, các giảng viên có kinh nghiệm về chuyên môn, đã và đang trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu văn học, nghệ thuật. Bên cạnh thời gian thảo luận tại hội trường, Ban tổ chức Hội nghị cũng dành 1 buổi mời các đồng chí học viên đi thực tế, tham quan một vài địa điểm di tích văn hoá tại tỉnh Bình Định.
365 thành viên tham gia hội nghị lần này đã có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, đồng thời trao đổi và thảo luận thêm nhiều kiến thức về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách có hệ thống, có chiều sâu để nâng cao hơn nữa hiệu quả tham mưu, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhằm phát triển mạnh mẽ, vững chắc nền văn học, nghệ thuật nước nhà những năm tiếp theo theo định hướng: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tham gia đợt tập huấn lần này, ông Trần Đặng Cẩm Hưng - Chuyên viên Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Tỉnh Long An bày tỏ quan điểm và sự quan tâm của mình đối với tham luận mà ông đánh giá cao nhất: “Qua đợt tập huấn lần này với 5 nội dung mà Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương đưa ra tôi thấy 5 chủ đề này rất phù hợp và thiết thực với tình hình thực tế hiện nay. Cả 5 chủ đề đều rất có ý nghĩa, nhưng riêng tôi, tôi quan tâm và tâm đắc nhất đến chủ đề thứ 2, đó là chủ đề “Văn học nghệ thuật sau 50 năm thống nhất và phát triển”. Qua chủ đề đó thì cũng có định hướng cho chúng ta những dự báo tương lai cũng như kế hoạch sắp tới cùng đất nước phát triển văn học nghệ thuật. Tôi cũng mong rằng Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương sẽ tổ chức những chương trình tập huấn như thế này bởi qua những lớp tập huấn chúng tôi được nâng cao trình độ nhận thức về lí luận, về chính trị, nâng cao kĩ năng nghề nghiệp. Đặc biệt chúng tôi được gặp gỡ những người làm văn học nghệ thuật trên cả nước, có sự chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm để cùng hướng về mục tiêu xây dựng nền văn học nghệ thuật của Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Ông Trần Đặng Cẩm Hưng - Chuyên viên Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Tỉnh Long An (Thành viên tham dự Hội nghị tập huấn) |
Tham gia Hội nghị lần này, tất cả 365 thành viên đều viết bài tham luận chia sẻ về những thông tin được tiếp nhận tại hội thảo lần này. Những đề tài tâm đắc, quan tâm nhất và nêu ra những nhận định, định hướng cũng như ưu khuyết điểm của từng phần bài tham luận sau khi tham gia chương trình.
Tiến sĩ Tăng Tấn Lộc - Trưởng khoa Khoa XH Nhân Văn & Truyền Thông - Trường ĐH Tây Đô - Tỉnh Cần Thơ, một trong những thành viên tham gia hội nghị chia sẻ: “Có thể nói là đợt tập huấn tại thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp của tỉnh Bình Định đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm sâu sắc, nó rất thiết thực và ý nghĩa đối với cá nhân tôi. Qua 5 chuyên đề lần này của BTC trao đổi với các học viên đều rất hay và ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay của lĩnh vực văn học nghệ thuật và văn hoá nghệ thuật. Trong đó tôi rất quan tâm đến một chuyên đề về lĩnh vực công nghiệp văn hoá. Có thể nói lĩnh vực công nghiệp văn hoá là một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam chúng ta. Rõ ràng là trên thế giới từng có khá nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ở phương Tây. Công nghiệp văn hoá đã mang lại giá trị về mặt kinh tế khá lớn, có thể chiếm 1 tỷ lệ khá cao trong GDP của quốc gia.
Ở Việt Nam mình nổi bật nhất vẫn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm phát triển rất mạnh về công nghiệp văn hoá, tiếp đó là Đà Nẵng, Hải Phòng và một số tỉnh thành khác. Tôi nghĩ rằng nếu như chúng ta biết tận dụng thời cơ và có những giải pháp để vượt qua những thách thức thì công nghiệp văn hoá sẽ trở thành một lĩnh vực trụ cột, quan trọng để phát triển và thúc đẩy kinh tế của địa phương và đất nước”.
Tiến sĩ Tăng Tấn Lộc - Trưởng khoa Khoa XH Nhân Văn & Truyền Thông - Trường ĐH Tây Đô - Tỉnh Cần Thơ (Thành viên tham dự Hội nghị tập huấn) |
Văn hóa - Nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của con người và xã hội loài người. Văn hóa - Nghệ thuật là nền tảng tinh thần của xã hội, định hướng cho sự phát triển bền vững của xã hội, tiếp nối và phát huy định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước. Văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và mọi hành vi của con người, điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của con người.
Hội nghị “Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển" - Ý nghĩa và định hướng đã thêm một cơ hội để những người quản lý và hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật có thêm những chia sẻ và tiếp nhận những luồng thông tin, những ý kiến chỉ đạo, những nghị định và chủ trương mới nhất, cần thiết nhất của Đảng và Nhà nước, để lan toả sức ảnh hưởng sâu rộng của mình đến với sâu rộng đời sống nhân dân, nhất là trong thời đại mạng xã hội và nhiều thông tin đa chiều bùng nổ như hiện nay.