Xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng gì khi Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường?
Ngày 2/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã có thông tin chính thức về việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Mặc dù Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, song cơ quan này vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ có lẽ sẽ không bị tác động hoặc tác động không đáng kể nếu Hoa Kỳ không điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và/hoặc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhưng sử dụng giá trị thay thế phù hợp, trên cơ sở đề nghị của nhà xuất khẩu Việt Nam khiến mức thuế phòng vệ thương mại (nếu có) ở mức độ hợp lý.
Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa kỳ cho biết, với nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu sang Mỹ nói riêng cũng đã phần nào nhận biết được tầm quan trọng của vấn đề phòng vệ thương mại và cũng đã được trang bị một số kiến thức cần thiết khi vướng phải các vụ kiện.
Thêm vào đó, Bộ Công Thương cũng luôn đồng hành của các doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động từ xu hướng tiêu dùng, nhập khẩu, năng lực cạnh tranh... của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ.
Cũng theo Thương vụ, mặc dù Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng điều này đã trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp xuất khẩu lâu năm sang Hoa Kỳ khi vướng các vụ kiện. Có thể dẫn chứng như vụ kiện chống bán phá giá cá tra, tôm của Việt Nam thời gian qua, dù đã trải qua 20 năm áp thuế, các doanh nghiệp Việt Nam đã xử lý rất tốt và hiệu quả đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước.
Dù vậy, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, đi cùng sự phát triển kim ngạch thương mại, hiện nay hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đang gặp rất nhiều rào cản, điển hình là các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn trách các biện pháp thuế phòng vệ thương mại cũng như chuyền tải hàng hoá.
Mặc dù Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng điều này đã trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp xuất khẩu lâu năm sang Hoa Kỳ khi vướng các vụ kiện. Ảnh minh họa |
Tính đến tháng 6 năm 2024, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với 11 vụ việc. Không chỉ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam mà Hoa Kỳ còn là thành viên điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trong các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nhiều thị trường khác.
Nguyên nhân là bởi, nhập khẩu gia tăng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh trong nước của các ngành sản xuất Hoa Kỳ ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tăng cường sử dụng công cụ này để hạn chế nhập khẩu, giảm bớt áp lực cạnh tranh.
Các ngành hàng xuất khẩu bị Hoa Kỳ kiện phòng vệ thương mại có kim ngạch từ thấp đến những mặt hàng chiếm thị phần lớn và có kim ngạch cao, như: Các sản phẩm thép, thủy sản (tôm, cá tra), máy móc thiết bị, gỗ, đồ nội thất, túi giấy, túi ni lông, nhôm... và gần đây là mặt hàng đĩa giấy.
Chính vì vậy, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần xác định nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại sẽ luôn hiện hữu cùng với gia tăng xuất khẩu và cần chủ động trong kế hoạch ứng phó.
Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA với các đối tác thương mại lớn, do vậy, các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu để tránh vướng các quy định nhập của Hoa Kỳ nói riêng và các nước thành viên WTO nói chung, không chỉ trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ đạt 66,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn nhất của hàng hoá Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Hoa Kỳ. Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều nhóm mặt hàng như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép… Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ nhiều sản phẩm phục vụ cho sản xuất như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; bông; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu… |