Xuất khẩu rau, quả: Liên tục tăng trưởng ấn tượng
Nhiều cơ hội cho xuất khẩu rau, quả |
Ấn tượng những con số
XK rau, quả lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng và khai phá những thị trường mới, khó tính, bằng nhiều chủng loại mới. Dù lượng hàng mới vào chưa nhiều, nhưng việc đặt chân vào các quốc gia “sành ăn” như Hoa Kỳ, châu Âu đã nâng cao uy tín rau, quả nước ta và cho nhiều gợi mở. Công bằng mà nói, trong nhóm hàng nông - thủy sản XK, có một số mặt hàng tăng trưởng ấn tượng, nhưng tăng một mạch liên tục chỉ có rau, quả. Cụ thể năm 2013, đạt mốc 1 tỷ USD; năm 2014: đạt 1,46 tỷ USD; năm 2015: 1,85 tỷ USD; 2016: 2,40 tỷ USD và năm 2017 là 3,5 tỷ USD. XK rau, quả chẳng những vượt XK dầu thô mà còn vượt cả XK gạo. Việc XK rau, quả vượt XK gạo minh chứng về hiệu quả bước đầu của tái cơ cấu nông nghiệp nói chung, trồng trọt nói riêng.
XK rau, quả năm 2017 cất cánh, phá thể độc quyền thủ phủ trái cây miệt vườn Nam bộ. Ngày nay, đã nổi lên các địa danh mới Hàm Thuận Bắc (Ninh Thuận); Mộc Châu (Sơn La); Hàm Yên (Tuyên Quang); Cao Phong (Hòa Bình); Lục Ngạn (Bắc Giang); Đồng Bành (Lạng Sơn)…
Việc áp dụng quy trình gieo trồng, lai tạo, cấy ghép, chăm sóc, chế biến, bảo quản cây trái theo yêu cầu khắt khe của công nghệ sinh học đã cho những sản phẩm xanh - sạch - an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chuỗi quy trình đó không chỉ dừng ở phòng thí nghiệm, lớp tập huấn, bằng hướng dẫn của kỹ thuật viên mà đã phổ cập, thành chuyện thường ngày của người làm vườn, tác nghiệp thành thạo trên mỗi thân cây, tới từng cảnh, quả.
Cơ hội và những trăn trở
Trước tình thế mới của rau, quả Việt, đồng loạt các nhà nhập khẩu (NK) từ nhiều thị trường lên tiếng muốn tăng mua rau, củ, quả Việt. Vào những ngày cuối năm 2017, tại Đồng Tháp, đã ký thỏa thuận NK chính ngạch nông sản Việt Nam đầu tiên vào thị trường Trung Quốc với giá trị ít nhất 500 triệu USD trong 2 năm đầu và tăng dần trong các năm tiếp theo. Tiếp đến là một số tên tuổi hàng đầu về NK rau quả như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cho biết nhu cầu rau, củ, quả đông lạnh của nước mình đang tăng, khách hàng Hoa Kỳ hứa hẹn “thị trường sẽ đón chào bất kỳ sản phẩm chất lượng nào của Việt Nam với mùa vụ thu hái đa dạng, cho phép ổn định nguồn cung quanh năm”. Nhật Bản đang đặt mua nhiều chủng loại rau, quả nhiệt đới của Việt Nam bởi, việc cung cấp từ Malaysia, Colombia dự báo sẽ giảm. Hàn Quốc mong sớm tăng danh mục lẫn số lượng trái cây Việt Nam XK sang nước này và cho biết, hiện Hàn Quốc đang thiếu nhân lực trồng rau, quả do đa số nông dân cao tuổi, nên rất phụ thuộc vào NK.
Nhiều tin vui là thế nhưng cũng không khỏi trăn trở khi tỷ lệ chế biến rau, quả Việt Nam còn hạn chế. Tiếng là mùa nào thức nấy, nhưng mỗi cây trái chín từng đợt, thu hái rộ vào ít ngày mà người ăn thì muốn thưởng thức quanh năm. Giá trị XK rau, quả Việt Nam đáng mừng song mới chiếm chưa đến 1% thị phần XK rau, quả thế giới, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Nhiều giải pháp
Để nhân lên niềm vui, năm 2018 và các năm tiếp theo cần kiên trì thực hiện 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất, với nhóm sản xuất, cần theo kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ áp dụng công nghệ cứng (máy móc) mà cả công nghệ mềm, các phương thức kết nối phi truyền thống. Ưu tiên xây dựng hạ tầng cho nông thôn, cảnh báo sớm về thời tiết cho nông vụ, đẩy mạnh các nghiên cứu cơ bản về công nghệ sinh học.
Thúc đẩy tích tụ ruộng đất đi đôi với hỗ trợ hệ thống sản xuất, tạo cơ hội nâng cao thu nhập và phúc lợi xã hội cho nông dân. Khuyến khích nông dân tham gia mô hình hợp tác xã dịch vụ kiểu mới; ưu tiên thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Thực hiện xanh hóa nông nghiệp, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Vinh danh sáng kiến sử dụng nhiều các phụ phẩm, phế thải từ chính cây trồng, vật nuôi; hạn chế dùng các chất vô cơ…
Thứ hai, về nhóm thương mại: Đổi mới và nâng cao hiệu quả XK, trọng tâm là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm thị trường nước ngoài, xây dựng chuỗi tiêu thụ trong nước từ sản xuất tới người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu, ưu tiên cho những sản phẩm chủ lực. Qua hoạt động thương mại, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, tới các chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… gắn sản xuất với thị trường; liên kết thực chất 4 nhà: Nhà nước - nhà kinh doanh - nhà khoa học - nhà nông.