Xuất khẩu rau, quả 2019: Khó về đích
Xin ông cho biết đánh giá về thị trường châu Á, châu Âu đối với XK rau, quả của Việt Nam?
Thị trường châu Á, châu Âu đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ hàng rau, quả của Việt Nam cả về mặt hàng tươi cũng như chế biến. Trong đó, lớn nhất vẫn là thị trường Trung Quốc, đóng góp khoảng 2/3 kim ngạch XK rau, quả của Việt Nam hàng năm.
Đối với EU, mặc dù chúng ta đã XK nhưng số lượng chưa nhiều. Nguyên nhân do thị trường này đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Năm 2018, Việt Nam XK rau, quả được 3,52 tỷ USD, tuy nhiên, kim ngạch XK sang thị trường châu Âu chỉ khoảng trên 100 triệu USD, đây là một con số rất khiêm tốn.
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết, khi phê duyệt và đi vào thực thi, thuế suất sẽ giảm về 0%, tác động đến giá thành rau, quả của Việt Nam khi XK sang thị trường EU. Chúng ta sẽ có sự cạnh tranh về giá so với những nước không có FTA với EU.
Bên cạnh đó, EVFTA có ưu điểm hơn so với các FTA khác đó là, EU sẵn sàng nhập bất kỳ hàng rau, quả nào của Việt Nam. Tuy nhiên, để rau, quả Việt có thể XK sang thị trường này, các doanh nghiệp (DN) phải có thị trường và có người mua tại EU. Bên cạnh đó, phải đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật khắt khe về dư lượng và hóa chất không được vượt quá.
9 tháng đầu năm 2019, XK rau, quả có xu hướng giảm. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, XK rau, quả đạt 2,82 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù XK rau, quả sang các thị trường như: EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, đặc biệt là thị trường Lào tăng rất mạnh, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho mức giảm XK sang thị trường Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau, quả Việt Nam |
XK rau, quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,91 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2018. Việc giảm này do từ đầu năm đến nay, Trung Quốc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với rau, quả nhập khẩu (NK); đồng thời, siết chặt NK tiểu ngạch. Các DN và nhà sản xuất của Việt Nam chưa chuyển đổi và thích ứng kịp với những thay đổi từ thị trường Trung Quốc.
Dự kiến, năm nay, kim ngạch XK rau, quả sẽ không đạt được như năm ngoái. Năm 2020, cùng với việc đẩy mạnh đàm phán thêm nhiều loại trái cây XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các DN Việt đã làm quen với những thay đổi từ thị trường này, kim ngạch XK rau, quả kỳ vọng sẽ tăng lên.
Như vậy, Trung Quốc vẫn là một thị trường hấp dẫn. Vậy cần làm gì để tiếp tục khai thác tiềm năng của thị trường này đối với rau, quả xuất khẩu của Việt Nam?
Hiện, thị trường XKS chính của rau, quả Việt Nam là Trung Quốc. Chúng ta cần làm sao để tăng được số lượng XK sang thị trường này. Rau, quả Việt ngon, cùng với khoảng cách địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp nên giá thành sản phẩm rẻ… là điểm cộng rất lớn để XK sang thị trường Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất cao trong việc tiêu thụ trái cây nhiệt đới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Vấn đề làm sao để Việt Nam đưa hàng sang thật nhiều và đáp ứng đúng yêu cầu từ phía Trung Quốc. Trong đó, cần đẩy nhanh việc đăng ký mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở để DN có thể XK nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Hiện, công tác này vẫn còn chậm.
Theo đánh giá của các DN Trung Quốc, rau, quả Việt rất ngon. Trái thanh long là một ví dụ, người Trung Quốc rất thích ăn thanh long của Việt Nam, nhất là thanh long ruột trắng. Tuy nhiên, vụ mùa của Việt Nam và Trung Quốc trùng nhau nên xảy ra tình trạng “đụng chợ”. Để khắc phục tình trạng này, DN Việt Nam cần tăng cường tham gia các hội chợ thương mại rau - củ - quả để kết nối với các DN Trung Quốc ở phía Bắc. Điều này giúp trái thanh long Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nội địa Trung Quốc thay vì các tỉnh biên giới. Bên cạnh đó, người dân nên trồng rải vụ từ tháng 11 - 5 bằng các phương pháp kỹ thuật. Đây là khoảng thời gian mà Trung Quốc không thể trồng thanh long.
Xin cảm ơn ông!