Xuất khẩu ớt vào thị trường Đài Loan (Trung Quốc) cần tuân thủ quy định mới
Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Văn phòng vừa nhận được thông báo số G/SPS/N/TPKM/625 của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Bộ Y tế và Phúc lợi của Đài Loan (Trung Quốc) công bố áp dụng quy định cho hàng hóa dùng làm thực phẩm và được phân loại theo mã CCC.
Xuất khẩu ớt vào thị trường Đài Loan (Trung Quốc) cần tuân thủ quy định mới |
Cụ thể, hàng hóa dùng làm thực phẩm và được phân loại theo mã CCC 0904.22.00.00-1 (quả thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta, được nghiền nát hoặc xay) và 0904.21.90.00-3 (các loại quả khác thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta ở dạng khô, chưa nghiền nát hoặc chưa xay) phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan. Báo cáo thử nghiệm gồm Sudan I-IV kèm theo: Ghi chú phương pháp thử, giới hạn định lượng (LOQ), đơn vị thử nghiệm và một số thông tin liên quan.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Bộ Y tế và Phúc lợi của Đài Loan (Trung Quốc), thuốc nhuộm Sudan được phát hiện trong nhiều lô bột ớt nhập khẩu tại khâu kiểm tra biên giới hoặc kiểm tra tại điểm bán hàng từ năm 2023 đến năm 2024 có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Sudan là một chất nhuộm màu trong công nghiệp dùng để nhuộm đỏ cho plastic và các chất tổng hợp khác. Trên thế giới, thuốc nhuộm Sudan được xếp vào nhóm chất nhuộm màu gây độc, vì có khả năng gây ung thư thông qua việc làm tổn thương ADN của tế bào. Sudan có 4 loại, được đánh thứ tự từ I đến IV (màu đỏ tươi).
Thuốc nhuộm Sudan thường được dùng để thực phẩm có màu đỏ hấp dẫn, cũng như giữ màu cho thực phẩm lâu hơn. Người ta thường tìm thấy chất này trong bột ớt và bột cà ri.
Dựa trên cơ chế tác động của Sudan trên tế bào (tạo ra những chất gây đột biến, khiến tế bào tăng sinh không kiểm soát - ung thư), các nhà khoa học hầu hết đều thống nhất, rằng không có giới hạn an toàn cho Sudan. Một số quốc gia thậm chí cấm dùng chất này trong thực phẩm.
Sau khi nhận Thông báo G/SPS/N/TPKM/625 từ Đài Loan, Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam triển khai phổ biến, thực hiện yêu cầu của phía bạn, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, tính đến hết tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu được 3.141 tấn ớt với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 17,6%, kim ngạch tăng 52,8%. Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính đạt 2.753 tấn và 259 tấn, chiếm 95,9% tổng lượng xuất khẩu.
Ớt được trồng nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh. Với tổng diện tích trên 7.000ha, ớt cho sản lượng khoảng 100.000 tấn một năm.
Ngoài ra, ớt còn được trồng tại Tây Nguyên với diện tích trồng từ 4.000 - 5.000ha, với sản lượng khoảng 60.000 tấn một năm.
Từ cuối tháng 2/2024, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đã hạn chế nhập khẩu mặt hàng ớt và sản phẩm từ ớt đối với hàng chục doanh nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan, Mexico và Việt Nam. Sang tháng 3, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục tăng cường giám sát ớt và sản phẩm từ ớt nhập khẩu.