Thứ năm 26/12/2024 02:04

Xuất khẩu gỗ khởi sắc nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu gỗ đang tăng trưởng tích cực và đứng thứ 5 kim ngạch thế giới; tuy nhiên, ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất của Việt Nam đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 5 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để làm rõ hơn về những thách thức này.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó có hoạt động xuất, nhập khẩu nói chung, và xuất khẩu gỗ nói riêng. Ông có thể phân tích rõ hơn về những tác động này?

Về yếu tố bên ngoài, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và các trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chịu hệ lụy rất nặng nề của các vấn đề liên quan đến xung đột địa chính trị, kinh tế suy giảm, người tiêu dùng mất lòng tin…

Thị trường Hoa Kỳ tiêu thụ 50% - 55% tổng giá trị đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này vẫn phải chịu lãi suất ngân hàng trên 7% và không thể dễ dàng ra quyết định mua nhà, mua sắm hay thay mới đồ nội thất.

Bên cạnh đó, tần suất khởi kiện, khởi xướng điều tra và áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ có xuất xứ Việt Nam lại ngày càng tăng, các doanh nghiệp gỗ Việt đối diện rất nhiều rủi ro.

Hiện nay, các rào cản thương mại nước ngoài ngày càng khắt khe, các chứng chỉ về quản lý rừng bền vững hay chứng chỉ giảm phát thải các-bon sau này bắt buộc sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường các nước phải tuân thủ. Ví dụ, như Nhật Bản yêu cầu phải có chứng chỉ bền vững.

Thị trường Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi nguồn cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Họ yêu cầu doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải cung cấp các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ còn phải đối diện những thách thức mới như: Cần tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế như Lacey (Hoa Kỳ), Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất…

Trên "sân nhà", tại nhiều địa phương, doanh nghiệp gỗ vẫn gặp khó trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) và tuân thủ các tiêu chuẩn phòng chống chữa cháy mới. Rất nhiều nhà máy được xây dựng cách đây 20 - 30 năm, nay đã nằm trong các khu dân cư đông đúc. Một số địa phương đang chủ trương chuyển dịch các cơ sở chế biến gỗ ra khỏi các khu dân cư nên doanh nghiệp không thể yên tâm đầu tư một khoản tiền lớn cho phòng chống cháy.

Nhiều điểm sáng của hoạt động xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024. Ảnh minh họa

Dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ vẫn tăng trưởng ấn tượng. Theo ông, những điểm sáng của hoạt động xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 là gì?

Quý I/2024, doanh nghiệp ngành gỗ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,5 tỷ USD, giảm 7,9% so với quý 4/2023, nhưng tăng 25,4% so với quý 1/2023.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Các doanh nghiệp trong ngành đã chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp đẩy mạnh gia tăng giá trị thương hiệu, qua đó duy trì và chiếm lĩnh một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… Đồng thời, mở rộng sự hiện diện của thương hiệu và sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đến 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động lành nghề trong lĩnh vực chế biến gỗ, đồ nội thất bằng gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ. Với việc mở rộng diện tích rừng trồng và thúc đẩy sử dụng các nguồn cung gỗ hợp pháp, Việt Nam đang có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và doanh nghiệp hoàn toàn làm chủ chuỗi cung ứng này. Do đó, tiềm năng xuất khẩu ngành hàng này rất khả quan trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dù tăng trưởng 4 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực song vẫn chưa thể khẳng định thị trường đã phục hồi tốt, 2024 vẫn là năm rất khó khăn với doanh nghiệp gỗ.

Xin ông cho biết kết quả nêu trên có được là do đâu? Trong đó, các cơ quan chức năng nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đã đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn như thế nào?

Chúng ta đã có những điểm sáng và tín hiệu để kỳ vọng ngành công nghiệp gỗ sẽ vượt qua giai đoạn rất thử thách rất khó khăn như hiện nay. Để có được những cái tín hiệu tích cực như vậy, tôi nghĩ rằng trước hết là nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp.

Về phía Chính phủ đã có nhiều giải pháp liên quan đến chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, có khung thể chế khả dĩ để các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư và kinh doanh. Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có những cuộc họp với các ngành hàng. Đặc biệt, đối với ngành hàng cá và ngành hàng gỗ đã có cuộc họp riêng.

Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị ngành ngân hàng triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay…

Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2024

Về phía Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp, đối thoại với trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giải quyết các vấn đề liên quan đến thị trường, phòng vệ thương mại, xúc tiến thương mại, khai phá các thị trường lâu nay chúng ta ít quan tâm.

Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của Cục Phòng vệ thương mại trong giải quyết những cái vụ việc điều tra, áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại theo hướng đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam ít bị thiệt hại nhất.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất tích cực trong việc xúc tiến thương mại ở nước ngoài và các hội chợ trong nước; được cung cấp những thông tin tổng quan về thị trường xuất nhập khẩu trong năm.

Nhìn chung, chúng tôi đánh giá rất cao việc đồng hành của Bộ Công Thương đối với các hiệp hội, ngành hàng nói chung và ngành gỗ nói riêng.

Trước những thách thức có thể còn tiếp diễn trong năm 2024, theo ông, bài học kinh nghiệm để hoạt động xuất, nhập khẩu gỗ tiếp tục vượt khó là gì?

Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, ở tầm vĩ mô, rất cần những thay đổi mang tính bước ngoặt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp phấn khởi làm ăn.

Bản thân doanh nghiệp cũng cần cải thiện năng lực quản trị, tăng cường năng lực tuân thủ các quy định liên quan đến rừng và gỗ của nước ta và của các thị trường nước ngoài. Đối với doanh nghiệp gỗ, thành bại có thể phụ thuộc rất nhiều vào năng lực phòng vệ và tự vệ của họ trước "tường lửa" của biện pháp phòng vệ thương mại mà những thị trường lớn có thể dựng lên.

Hàng hóa xuất đi vốn đã khó, nay thủ tục còn phức tạp hơn nhưng không có nghĩa là không làm được. Hàng loạt chính sách, quy định mới của các quốc gia bắt buộc doanh nghiệp trong nước phải thay đổi để thích ứng. Doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp, về quản lý rừng bền vững; đồng thời nên mở rộng thị trường thay vì gắn với vài thị trường nhất định; phải tuân thủ nguyên tắc quốc tế, tích cực chuyển đổi công nghệ…

Doanh nghiệp gỗ cũng mong các cơ quan liên quan tiếp tục đồng hành để việc hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện nhanh hơn. Trong việc tuân thủ các quy định phòng cháy chữa cháy, doanh nghiệp cần được thấu hiểu và chia sẻ bằng những giải pháp khả thi.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Thảo
Bài viết cùng chủ đề: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Dự báo, xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ vượt con số 1.000 tỷ USD

Quảng Bình: Tăng cường giám sát các hoạt động xuất khẩu nhập khẩu

EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?

Khơi thông thị trường ngoài nước: Chống lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu

Thêm cơ hội cho hàng Việt ra nước ngoài qua ‘cánh cửa’ xuất khẩu online

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu