Xuất khẩu gặp khó, giá cá tra trong nước lao dốc
Giá cá tra lao dốc
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), giá bán buôn cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 6/2019 tiếp tục xu hướng giảm khoảng 2.000 đ/kg so với tháng trước xuống còn 22.000-23.000 đ/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua chỉ trong khoảng 20.000-21.000 đ/kg. Lượng bắt của các doanh nghiệp (DN) ở mức thấp, chủ yếu bắt cá ao nhà và hạn chế mua ngoài.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản nhận định, nhìn chung thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong nửa đầu năm 2019 có xu hướng suy yếu dần sau một năm liên tục tăng nóng: giảm gần 16.000 đ/kg so với cùng kỳ năm 2018, giảm gần 10.000 đ/kg so với đầu năm nay và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Do ảnh hưởng bởi giá cá tra nguyên liệu giảm nên nhu cầu giống thả nuôi trong dân giảm, giá cá giống cũng giảm mạnh: loại 30 con/kg dao động ở mức 18.000 - 20.000 đ/kg (trong khi cuối năm 2018 giá cá giống là 60.000-65.000 đ/kg).
Xuất khẩu gặp khó khiến giá cá tra trong nước lao dốc |
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam – nhận định, nguyên nhân giá giảm là do XK giảm mạnh đặc biệt là XK sang 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc.
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho thấy, 4 tháng liên tiếp từ tháng 3-6/2019, giá trị XK cá tra giảm từ 6-17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD, tăng 1,2%, chiếm 26,4% tổng giá trị XK cá tra. Đối với thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ đạt 141,9 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 6/2019, giá trị XK cá tra sang thị trường này giảm mạnh tới 40,8%.
Lý giải nguyên nhân khiến giá cá tra giảm mạnh, đại diện Vasep cho rằng, nửa cuối năm 2018 giá cá tra tăng cao khiến nhiều hộ nuôi thả cá tra phấn khởi mở rộng diện tích ao, nhiều nhà đã đầu tư thêm diện tích mới. Hơn nữa, sang năm 2019 dù giá cá tra có dấu hiệu "giảm nhiệt", nhưng đến hết quý I/2019, nông dân và DN vẫn thu lãi lớn từ nuôi và XK cá tra. Tuy nhiên, từ cuối quý I/2019 giá cá tra bắt đầu giảm mạnh và từ đầu tháng 7/2019 đến nay, giá cá tra thương phẩm và cá giống ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Hơn nữa, Trung Quốc siết chặt hàng rào kỹ thuật; số lượng cá tra XK sang Mỹ cũng giảm sút mạnh khiến lượng cá bị “đóng băng” không thể XK, lượng cá tồn đọng đang gia tăng.
Cơ chế chính sách vẫn nhiều bất lợi
Thực tế, câu chuyện cá tra được mùa, mất giá vẫn là điệp khúc không chỉ đối với cá tra và với nhiều loại nông sản Việt. Ông Dương Nghĩa Quốc cho hay, khi người dân thấy việc nuôi cá tra có lợi thì họ sẽ tìm cách để nâng cao thu nhập. “Diện tích cá tra tại ĐBSCL so với quy hoạch ai cũng biết nhưng tăng thế nào lại chưa có con số cụ thể”, ông Dương Nghĩa Quốc nói.
Phân tích kỹ hơn về những tồn tại của ngành hàng này, ông Dương Nghĩa Quốc nhận định, thực tế, về cơ chế chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, vấn đề liên kết chuỗi, việc vận động để người dân liên kết với DN để sản xuất cũng chỉ là một phần của vấn đề. Ở đây còn là câu chuyện của liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh với nhau và ai là người điều hành thì vẫn thiếu. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng, khi giá cá tra tăng và nuôi cá tra có hiệu quả, chúng ta quay ra cấm người dân không được nuôi là không được.
Vấn đề nữa vô cùng quan trọng là liên kết ngang giữa các DN. Thực tế, các DN cũng tự làm khó mình, khi có hiệu quả thì tranh mua, khi khủng hoảng bắt đầu "mạnh ai nấy bán", không cần biết đến lợi ích chung. Đây là điểm yếu cố hữu của các DN hiện nay.
Ông Dương Nghĩa Quốc kiến nghị, các bộ, ngành trung ương cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ công tác tiêu thụ sản phẩm hiện nay. “Ngành cá tra khác ngành khác, nếu ùn tắc thì rất khó vì cá nuôi tới cỡ phải bán, càng nuôi càng lỗ. Nếu cá 2-3kg thì chịu thua luôn, không tiêu thụ được”, ông Dương Nghĩa Quốc nói.
Cũng theo ông Dương Nghĩa Quốc, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn cho DN chúng ta cũng không dừng lại ở việc nói chung chung, hô khẩu hiệu mà cần theo hướng khó ở thị trường nào thì các bộ ngành cùng phối hợp với DN để tháo gỡ những nút thắt ở thị trường đó. "Thực tế, cá tra Việt hiện không còn một mình một chợ. Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia cũng đang mở rộng nuôi cá tra, nếu họ làm được thì chúng ta cũng phải xem chừng vì đây là yếu tố cạnh tranh", ông Dương Nghĩa Quốc khuyến nghị.
Nhận định thị trường cá tra những tháng cuối năm, ông Dương Nghĩa Quốc cho hay, rất khó dự đoán bởi hiện nay sức mua cá tra từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh, sức mua tại thị trường Mỹ cũng chững lại bởi lượng cá tra thu mua từ năm 2018 vẫn còn tồn đọng nhiều nên lượng hàng tồn kho còn nhiều.
Về tác động của các Hiệp định tự do thương mại (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), ông Dương Nghĩa Quốc cho rằng, mặc dù ngành nông nghiệp nói chung và cá tra nói riêng được nhận định là sẽ có những tác động tích cực rất lớn, tuy nhiên, để có thể được hưởng các ưu đãi về thuế xuất cần có lộ trình. Mặt khác, hàng hóa cần phải nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để có thể đón nhận những lợi thế mà các FTA mang lại.
Về dài hạn, ngành cá tra hội nhập vào sân chơi quốc tế, phải đảm bảo về tiêu chuẩn xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm và quan trọng nhất là phải có thương hiệu. “Hội nhập rồi không làm tốt thì mình để dùng thôi chứ bán cho ai. Việc này, để DN tự làm không nổi mà cần sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT”, ông Dương Nghĩa Quốc nhấn mạnh.
Theo Vasep, tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị XK cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm trước. XK sang thị trường Mỹ, Brazil và Colombia giảm cũng kéo tốc độ tăng trưởng chung chậm lại. |