Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc: Hiểu rõ nhu cầu thị trường
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 318,146 tấn, tương đương 159,45 triệu USD, giảm 65,7% về lượng và giảm 67,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; giá giảm 5,4%, đạt 501,2 USD/tấn.
Cần xây dựng thương hiệu cho gạo Việt |
Theo các chuyên gia, Trung Quốc chiếm 30% tổng sản lượng cũng như tổng tiêu thụ gạo toàn cầu, là nước sản xuất và tiêu dùng gạo lớn nhất thế giới. Cách đây 10 năm, khối lượng gạo thương mại của Trung Quốc còn rất ít. Là nước sản xuất đồng thời tiêu thụ lương thực lớn nhất thế giới, họ tự cung tự cấp phần lớn lương thực cho bản thân mình. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa, cụ thể là áp dụng giá thu mua tối thiểu, đều đặn trong nhiều năm đã khiến sản lượng gạo tăng nhanh.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc nổi lên thành nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Các nước cung cấp gạo chính cho thị trường Trung Quốc là Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, trong khi Trung Quốc cũng nhập khẩu khá nhiều từ Campuchia. Việt Nam và Thái Lan là hai nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm hơn 3/4 (78%) tổng trị giá gạo nhập khẩu năm 2018 (theo Worldstopexports).
Giới doanh nghiệp (DN) Trung Quốc cho biết, nhu cầu về gạo của người Trung Quốc vẫn khá cao nhưng các DN nhập khẩu của nước này khó có thể mua hàng từ Việt Nam. Ngoài nâng cao yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, Ủy ban Thuế quan Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành Thông báo số 33/2018 về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gạo và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018. Một số dòng sản phẩm trong bộ mã HS 100630 là những dòng sản phẩm bị điều chỉnh thuế nhập khẩu lên đến 50%, theo đó, gạo nếp chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ động thái điều chỉnh thuế. Ngay sau khi phía Trung Quốc ban hành thông báo này, Bộ Công Thương đã có công hàm gửi Bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị xem xét lại việc thực hiện điều chỉnh thuế nhập khẩu sản phẩm gạo, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo nếp của Việt Nam sang Trung Quốc.
Tháo gỡ khó khăn
Trước bối cảnh khó khăn của thị trường, thời gian qua, công tác điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương trong các tháng đầu năm đã bám sát tốt được mục tiêu tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, bảo đảm lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành, cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng trong những tháng đầu năm 2019.
Xuất khẩu gạo cần tuân thủ nghiêm túc quy trình, quy cách bao bì, đóng gói… |
Tháng 5 vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã chủ trì, phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc mời đoàn DN nhập khẩu gạo Trung Quốc sang Việt Nam kết nối, giao thương và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Đoàn Trung Quốc có khoảng 20 DN nhập khẩu gạo do đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc làm trưởng đoàn. Chương trình làm việc có đi thực địa một số cơ sở xay xát, chế biến gạo của các DN tại An Giang, Long An, Đồng Tháp.
Tại buổi làm việc cùng 20 DN Trung Quốc chuyên nhập khẩu gạo với UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh An Giang mới đây, đại diện Cục Xuất nhập khẩu và Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đã chia sẻ các thông tin về thị trường, giúp các địa phương và DN nắm bắt tốt hơn về thị hiếu, tập quán tiêu dùng gạo của thị trường này. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm đang ngày càng được Chính phủ Trung Quốc quy định chặt chẽ và khắt khe, đặc biệt đối với các sản phẩm lương thực, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có gạo. Việc truy xuất nguồn gốc tận nơi sản xuất của nước xuất khẩu là một trong những biện pháp Chính phủ Trung Quốc áp dụng không chỉ đối với thương nhân xuất khẩu Việt Nam mà với nhiều nước khác và sẽ được tiếp tục thực hiện trong các năm tới.
DN trong nước cần xây dựng thương hiệu cho gạo Việt chuyên nghiệp; tuân thủ nghiêm túc quy trình, quy định về kiểm dịch, xông hơi khử trùng, quy cách bao bì, đóng gói, tránh sai sót, rủi ro, có thể phát sinh khi xuất khẩu. |