Xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Tây Phi sụt giảm 257% trong 6 tháng đầu năm
Điều này buộc Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan phải điều chỉnh giảm dự báo xuất khẩu gạo trong năm nay còn 6,5 triệu tấn thay vì 7,5 triệu tấn như thông báo cách đây vài tháng. 6,5 triệu tấn là lượng gạo xuất khẩu thấp nhất của quốc gia Đông Nam Á này kể từ 20 năm nay.
Ảnh minh họa |
Theo ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, "Chúng tôi đã điều chỉnh lại dự báo năm nay căn cứ vào tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm". Nửa đầu năm 2020, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 3,14 triệu tấn gạo, giảm 1/3 về lượng so với cùng kỳ năm trước và giảm 12% về giá trị, chỉ còn 2,2 tỷ USD. Trong cùng thời kỳ, các đối thủ cạnh tranh chính của Thái Lan là Ấn Độ và Việt Nam đã xuất khẩu lần lượt là 4,53 và 4,04 triệu tấn. Ngoài ra, giá bán 1 tấn gạo Thái cũng đắt hơn từ 30 đến 80 USD so với gạo của các nước nói trên.
Còn ông Patrico Mendez del Villar, chuyên gia của Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD) cho biết, "Nhu cầu nhập khẩu gạo của châu Phi có thể sẽ giảm vào năm 2020 do thiếu hụt ngoại tệ vì sụt giảm xuất khẩu nguyên liệu nông sản và khoảng sản sau khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Kim ngạch nhập khẩu gạo của châu Phi có thể không vượt quá 16 triệu tấn năm 2020 trong khi năm 2019 là 16,7 triệu tấn". Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), việc nhập khẩu gạo của khu vực Tây Phi sẽ lại tăng vào năm 2021.
Nigeria là quốc gia Tây Phi nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc trong khi Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu vì đã dự trữ gạo lên tới 117 triệu tấn (thay vì 60-70 triệu tấn như trước đây). Đáng chú ý là quốc gia châu Á đông dân nhất thế giới đã trở thành nước xuất khẩu ròng về gạo trong năm nay, chủ yếu sang khu vực châu Phi với sản lượng ước tính từ 3,5 đến 4 triệu tấn.