Xuất khẩu da giày kỳ vọng hồi phục vào cuối năm
Theo Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, do ảnh hưởng bởi Covid-19, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu da giày, túi xách của Việt Nam đã giảm 6,7% so với cùng kỳ. Phản ánh của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành như Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, Công ty giày Nguyên Khang… đang đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức cả đầu vào lẫn đầu ra. Nghiêm trọng nhất là tình trạng thiếu trầm trọng nguyên liệu cho sản xuất khi Việt Nam phụ thuộc 55% vào nhập khẩu. Trước sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp phải xoay xở đủ cách để ổn định sản xuất, giữ chân công nhân.
Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định chia sẻ, hiện doanh nghiệp đang phải tìm các nguồn hàng ở các thị trường nhỏ lẻ khác đã bị mất đi như Mỹ, EU, và chuyển đổi sang sản xuất các mặt hàng ngoài mặt hàng chính ra thì làm mặt hàng tiêu dùng phục vụ trong nước.
Tại “Hội nghị quốc tế ngành Da giày năm 2020" tổ chức ngày 30/6, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho biết, từ nay đến cuối năm, đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và Châu Âu. Vì vậy, mức tăng trưởng cao nhất cả năm chỉ đạt khoảng 15 tỷ USD, thấp hơn kế hoạch đặt ra hồi đầu năm 2020 là 20 tỷ USD.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam dự báo, phải từ tháng 10 trở đi, thị trường mới sôi động và động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định thương mại tự do EVFTA sắp có hiệu lực.
Và để chuẩn bị cho EVFTA nhiều doanh nghiệp ngành này đã lên phương án như tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của EVFTA. Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết đã đã có kế hoạch cải tổ lại nhà xưởng, kiểm tra và đầu tư máy móc tốt nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị cho việc tăng thị phần châu Âu trong thời gian tới.
Đặc biệt, với việc hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, ngành da giày cũng nhắm tới đích tăng giá trị cho sản phẩm từ EVFTA. Về vấn đề này, ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam - nhận xét: Chúng ta phải lấy các cơ hội của EVFTA để làm cơ hội tăng giá trị. Giờ doanh nghiệp làm đôi giày 10 USD thì thuế bằng 0, và đôi giày 20 USD, 50 USD cũng bằng 0 - như vậy mục tiêu của ngành không phải là đôi giày 10 USD mà phải làm đôi giày 20 USD, 30 USD, hoặc cao hơn.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, ứng dụng nguyên vật liệu mới và tổ chức thương mại một cách tối ưu nhất. Bởi lẽ theo nhận định của các chuyên gia, dù EVFTA mang lại nhiều cơ hội nhưng để tận dụng được tối đa thì doanh nghiệp ngành này còn nhiều điều phải làm. Cụ thể là doanh nghiệp phải chú trọng vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất... mới tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết rất sâu rộng cũng như điều kiện gia nhập thị trường cao như châu Âu. Đặc biệt, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn thế giới 20%, trong khi chi phí vật tư lại đang cao hơn 10% trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Do đó, theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp phải đưa khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động, phải kiện toàn chuỗi cung ứng thượng nguồn/ vật tư để sản phẩm có giá thành cạnh tranh hơn.